Cõng nước lên 'đỉnh trời'
(VOVTV) - Từ trên những đỉnh núi cao ở xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, các cô giáo cắm bản, đồng bào người Mông, Tày, Nùng, Lô Lô,... tất tả đi trên con đường ngoằn ngoèo bên triền núi, xách chiếc can nhựa đi lấy nước.
“Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh” là câu nói ví von về khó khăn, gian khổ ở xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Từ trên những đỉnh núi cao, nơi sinh sống của đồng bào Mông, Tày, Nùng, Lô Lô…hàng chục năm nay, những người dân trên đỉnh Chè Lỳ A, Lũng Mần…vẫn đều đặn băng qua con đường đất ngoằn ngoèo trên triền núi đi lấy nước. Mỗi khi trời mưa, các cô giáo cắm bản nhanh trí nghĩ ra cách dùng bao tải dứa lót nilong để tích trữ nước phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Dưới cái nắng 40 độ ở nơi bao quanh toàn đá vôi, đá tai mèo, cô giáo Nông Thị Lưu – giáo viên điểm trường Chè Lỳ A, xã Bảo Lạc, huyện Bảo Lâm phải băng qua con đường ngoằn ngoèo bụi mù cách nơi ở hơn 2km để tới mỏ nước. Nước trong bể còn chưa đầy nửa gang tay, cô giáo Lưu phải chui qua miệng bể, từ từ đưa can xuống, nhẹ nhàng chắt từng ca nước cho đến khi đầy can 20 lít.
Cô Lưu chia sẻ nước là thứ vô cùng quý giá với cô và trò ở Chè Lỳ. Mỗi khi trời nắng, con đường bụi mù, hầm hập oi ả khiến hành trình đi lấy nước ở nơi gian khổ nhất của tỉnh Cao Bằng đã xa lại càng xa hơn. Cô Lưu tâm sự, nhiều lúc cũng nghĩ đến việc rời xa nơi này vì cuộc sống quá khó khăn, nước sinh hoạt thiếu thốn nghĩ cực và tủi nhưng lại nghĩ đến các em học sinh, đành gạt bỏ ngay suy nghĩ đó.
Cô Lưu cho biết ở Chè Lỳ A, dân khổ về nước, lúc nào mưa dân hứng nước mái nhà dùng, dạo này hạn hán, dân phải đi chở nước, gánh nước ở xa, thậm chí là không có đủ còn tranh nhau lấy nước. Phải đi hơn 2 cây số mới có nước, ai có xe máy thì lấy xe máy chở, ai không có xe máy thì đi bộ. Đi xuống dưới xóm chỉ có 1 mỏ nước chảy nhỏ nhỏ hứng 1 xô phải 2-3 tiếng mới đầy. Cách đây mấy năm, nhà nước có đầu tư xây dựng 1 bể nước giữa xóm, nhưng nguồn nước chảy ít, nhiều hộ cạnh nguồn dùng chung nên nước không chảy đủ về xóm.
Để có thêm nguồn nước dự trữ sinh hoạt hàng ngày, các cô giáo ở điểm trường Chè Lỳ A đã nghĩ ra sáng kiến tích trữ nước trong những bao tải dứa lót nilong. Một hệ thống ống dẫn đơn giản được kéo vào căn phòng chưa đầy 20m2. Từ nơi ngủ, nơi làm việc đến căn bếp nhỏ, những gì có thể chứa được nước đều được các cô tận dụng.
Cô giáo Trần Thị Vực vui vẻ bảo rằng, “trong cái khó đành ló cái khôn”, ở đây toàn phụ nữ nên việc đi lấy nước là cả hành trình gian nan, vì vậy đành phải nhanh trí nghĩ ra cách tích trữ nước cho đỡ vất vả: “Nói chung cũng chỉ vì cuộc sống trên này vất vả, nước nôi thì không có, bắt đầu mình nghĩ hứng nước từ mái nhà thôi, xách từng xô vất vả quá, sau nghĩ ra lấy máng, vòi dẫn vào từng phòng sẽ tiện, thuận lợi và mình đỡ vất vả hơn”.
Bám trường, bám bản được 7 năm, cô giáo Hoàng Thị Điệu nghĩ lại thời gian đầu đến đây thấy cuộc sống gian nan vì điều kiện sinh hoạt thiếu thốn hơn những gì bản thân cô tưởng tượng. Nhưng cô giáo trẻ này đã quyết tâm bám trụ ở nơi xa nhất, khó nhất, khổ nhất của tỉnh Cao Bằng với ước mong mang con chữ cho những đứa trẻ trên đỉnh Chè Lỳ A.
Hơn thế nữa, ước mơ lớn nhất của cô Điệu và cũng là ước mơ của tất cả người dân trên đỉnh Chè Lỳ A là nơi đây sớm có dự án nước sạch để cô trò và người dân không còn đau đáu, khổ sở vật lộn với từng giọt nước được coi là “quý hơn vàng”.
"Ở đây vất vả về nguồn nước quá, không đường nước đến tận nơi thì các cô phải tận dụng các bao rồi tận dụng các thùng để chứa nước. Khi trời mưa thì kể cả đêm chúng tôi cũng phải thức để hứng nước, tận dụng từng giọt nước lúc trời mưa để sử dụng lâu dài. Nếu lâu ngày mà trời không mưa thì chúng tôi phải xuống khe, dùng xe máy để chở các can nước mang về sử dụng.
Giặt giũ thì phải xuống khe suối để giặt chứ không dám sử dụng nước tại phòng. Nước tích trữ chỉ để sử dụng cho sinh hoạt như tắm và đun nấu. Tôi mong muốn có thể có dự án nào đấy để có nguồn nước dẫn đến điểm trường, xóm để dân ở đây cũng như các thầy cô, các em học sinh đến trường có nguồn nước sạch để sử dụng, để chúng tôi yên tâm công tác hơn và học sinh đi học cũng đỡ vất vả", cô Điệu tâm sự.
Theo anh Triệu Văn Thắng, ở Chè Lỳ cho biết, hộ dân nào có điều kiện mới có nhiều lu chứa nước trong nhà. 11 cái lu nước dưới căn nhà sàn dùng để hứng nước mưa của anh Thắng như 1 tài sản quý giá: “Bây giờ gia đình dùng 11 cái bể lu hứng nước mưa thôi, bà con trong xóm thì đi gánh nước dưới mỏ. Đường đi thì dốc, đi gánh thôi, đường xá đi lại thì khó khăn. Đường đất, mùa mưa xe không đi lại được. Mỗi lần gánh được 2 xô bé, cả đi về mất cỡ 30 phút”.
Không chỉ ở Chè Lỳ A, con đường tới đỉnh Lũng Mần cũng khô cằn gấp vạn lần bởi thiếu nước. Ở nơi này người ta gọi chung những đỉnh núi là Phja Phạ - có nghĩa là núi trời, những dãy núi vút cao xuyên thẳng lên những đám mây, quanh năm không nhìn thấy đỉnh. Khi đặt chân tới đây, mới hiểu được trọn vẹn câu nói “sống trên đá, chết vùi trên đá” khắc họa cuộc sống của đồng bào nơi đây từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi chỉ gắn liền với đá, với đất cằn khô.
Vừ Mí Già, trưởng xóm Lũng Mần cho biết 90 hộ dân ở Lũng Mần cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt, muốn xuống trung tâm xã phải đi hơn 20km đường núi, người lạ không quen đường cũng chẳng biết khi nào tới nơi. Trưởng xóm Vừ Mí Già bảo, từ Chè Lỳ A sang đến Lũng Mần cũng mất cả tiếng đồng hồ, đây là những nơi ở Cao Bằng ít người đặt chân đến.
Người dân chỉ mong trong tương lai không xa, họ được đi những con đường trải bê tông, có nước sinh hoạt, cuộc sống khấm khá hơn, còn giờ thì… trưởng xóm Vừ Mí Già ngập ngừng: "Ở đây hộ nghèo 100%, ở đây không đủ, nước thiếu, cái gì cũng thiếu, ăn cũng thiếu, nước vẫn không đủ, bây giờ có doanh nghiệp từ đây vào mốc, tháo vòi nước bên kia, tầm 1 tháng nữa mới vào lại cho dân. Thì 2-3 ngày lấy 1 xô lau 1 nhát thôi, không phải suốt ngày tắm. Trẻ con cũng thế, 2-3 ngày lau qua người 1 phát thôi".
Rời Chè Lỳ A, Lũng Mần…nơi được gọi là núi trời, câu nói của trưởng xóm Vừ Mí Già cứ vương vấn trong tôi suốt hành trình dọc biên giới Cao Bằng. Và rồi cả những hình ảnh các cô giáo cắm bản, đồng bào Mông, Tày, Nùng, Lô Lô tất tả đi trên con đường bên triền núi, xách chiếc can nhựa đựng nước cứ mãi xuất hiện không thôi.
Biết đến bao giờ, nước về đến nơi tận cùng khó khăn của mảnh đất phên dậu Cao Bằng. Hay “nước” vẫn chỉ là nỗi ám ảnh của cô trò, người dân sống trên đỉnh núi Chè Lỳ A, Lũng Mần, và rồi giấc mơ, ước vọng về “nước sinh hoạt” của họ vẫn mãi đằng đẵng ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm…
Tin nổi bật
Tin Video