Tin tức

Công nhân xa xứ bán sức, hy sinh hạnh phúc riêng để có một cái Tết đủ đầy

(VOVTV) - Tết đến, xuân về là thời điểm mà mọi người chờ đón nhất trong năm là dịp để mọi người sum vầy, ăn bữa cơm đoàn viên, uống chén rượu nghĩa tình, ôm nhau bằng cái ôm tình thân và được bên nhau trong những giây phút ngồi canh nồi bánh chưng đêm thâu... Đó cũng là những suy nghĩ giản đơn của những người công nhân xa xứ sau một năm dài mưu sinh, vất vả.

Tác giả Đặng Đồng / VOVTV
21/01/2021 09:03

Những người công nhân đang tất bật chuẩn bị về quê đón Tết, về với vòng tay của cha, với nồi cơm nóng của mẹ... Trong suy nghĩ của người công nhân chỉ biết tranh thủ từng ngày, từng giờ tăng ca, làm đủ kiểu nghề như bốc vác, bán vé số, phát tờ rơi... để kiếm thêm thu nhập, để mưu sinh từng ngày khi giá cả leo thang, khi cuộc sống khó khăn...

Những điều phải lo

Một trong những lần đi qua khu Công nghiệp Mỹ Phước, Bình Dương vào lúc giao ca đêm những ngày gần Tết, mới thấy được khung cảnh sôi động, nhộn nhịp, tấp nập người, xe hòa lẫn trong tiếng còi inh ỏi, quyện vào ánh sáng đèn đường là nhiều sắc áo màu công nhân trên một đoạn đường dài.

Cảnh công nhân chen lấn giữa những người đi, người về ai cũng muốn nhanh chân hơn, nhiều lúc cao điểm tắc đường chờ cả tiếng đồng hồ mới về được nhà. Nhiều người nhìn qua chẳng ai nghĩ đây là ban đêm bởi sự nhộn nhịp, sôi động của nó. Hầu hết sinh hoạt ở các khu công nghiệp nhưng đời sống của người công nhân luôn tất bật, khó khăn, vất vả.

Công nhân những ngày gần Tết - Ảnh 1.

Công nhân làm việc hết sức mình để chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Internet

Đặc biệt là những ngày gần Tết, công việc vất vả, sức ép đó lại tăng gấp đôi, gấp ba. Những cặp mắt thiếu ngủ, những cơ thể rã rời sau những ngày, giờ tăng ca lại càng thêm mệt mỏi. Năm nay khó khăn hơn năm trước vì dịch bệnh hoành hành, cả nước đã gồng mình chống dịch, giai đoạn khó khăn đã qua. Với những người công nhân không phải dịch qua là họ sẽ được làm trở lại, mà còn tùy vào đơn vị chủ quản.

Thời gian vừa qua nhiều công ty đã không đủ khả năng hoạt động nên cắt giảm nhân công, dẫn đến việc công nhân ở một số công ty cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại khó lên gấp bội. Đặc biệt là thời điểm Tết đang đến gần những con người đó lại tất bất ngược xuôi, tranh thủ từng phút, làm thêm nhiều nghề, kiếm thêm từng đồng dù là ít ỏi, với mong muốn có một cái Tết được vẹn tròn quây quần bên người thân. Nhiều người đã lựa chọn về quê ăn Tết cùng gia đình nhưng cũng có người chấp nhận gác lại niềm hạnh phúc nhỏ bé đó để ở lại "xứ người", tranh thủ kiếm thêm đồng tiền trang trải cho cuộc sống nào là tiền phòng, tiền ăn, tiền sữa cho con, tiện điện nước, tiền tàu xe đi và về...

Gần 22 giờ đêm, anh Duẫn, 35 tuổi, người Hà Tĩnh đang là công nhân ở khu công nghiệp Mỹ Phước 1, Bình Dương, dáng người gầy gò, khắc khổ, đang cố gắng nuốt những miếng bánh mì khô khốc trước cổng công ty Kaser. Khi được hỏi về quê đón Tết, anh Duẫn chia sẻ: "Tết ai mà không muốn về hả chú, nhưng giờ đang khổ lắm nên đành chấp nhận ở lại thôi, ba cái Tết rồi tôi không về quê, muốn về thăm ông bà nhưng năm nay dịch bệnh công ty bắt nghỉ nhiều quá lương chỉ đủ ăn qua bữa, tôi tính ở lại cho cháu với mẹ nó về quê ăn Tết với ông bà. Với lại tôi tính để con ở nhà nhờ ông bà nuôi hộ chứ năm vừa rồi vợ chồng tôi không chịu được".

Nói chuyện với tôi mà cặp mắt anh rưng rưng như muốn khóc, rồi như không muốn tôi nhìn thấy cảnh đó anh bỗng quay mặt đi, nhìn xa xăm về phía bóng tối mù mịt. Trước khi chào anh để đi, tôi gửi anh chai nước lọc chứ tôi thấy bánh mì khô quá, mong cho anh luôn mạnh khỏe để chiến đấu, để mưu sinh với cuộc sống còn nhiều khó khăn này.

Khả quan hơn anh Duẫn, công ty của anh Chinh, 27 tuổi cùng quê với anh Duẫn không bị tác động nhiều bởi dịch nên có việc làm đầy đủ, thường xuyên cho tăng ca nên thu nhập cũng tốt hơn.

Đang ngồi ăn hủ tiếu, chờ làm ca đêm, khi được hỏi anh Chinh tâm sự: "Gần đến Tết rồi nên tranh thủ làm thêm kiếm thêm ít đồng, em đăng ký làm ca đêm, nên có thêm phụ cấp, lương cũng cao hơn, cứ có tiền là em làm vất vả tí cũng được". Ngồi nói chuyện một lúc mới biết là anh Chinh chuẩn bị lấy vợ nên anh cố gắng làm thêm để kiếm ít tiền chuẩn bị cho lễ cưới của mình. Chúc cho anh một ngày làm việc may mắn, những dự định của anh sẽ thành hiện thực.

Ở lại hay về

Tết đang đếm ngược từng ngày nhưng vẫn có rất nhiều người còn chưa biết về hay không về. Không phải vì họ không nhớ quê, không nhớ người thân mà vì họ còn biết bao gánh nặng phải "gánh gồng", bao nỗi lo phải "mang vác". Như lời chia sẻ: "Đến giờ gia đình tôi cũng chưa xác định năm nay gia đình tôi có về quê không nữa, tôi chưa nghĩ đến" chị Trang vừa đi, vừa nói khi được tôi hỏi.

Tết đang đếm ngược từng ngày nhưng vẫn có rất nhiều người còn chưa biết về hay không về, đó gần như là một quyết định khó khăn với một số người ngay lúc này. Không phải vì họ không nhớ quê không muốn về mà vì họ còn biết bao gánh nặng phải gánh gồng, bao nỗi lo phải mang lên những tấm thân mòn mỏi sau những tháng năm bán sức khỏe để mưu sinh, đổi lấy "bát cơm".

Nhưng cũng có những người ngay từ đầu đã xác định Tết không về, chị Lài quê Quảng Nam kể: "Thôi về Tết làm gì tốn kém, để dành tiền để gửi về nội ở quê sắm đồ Tết, mấy năm rồi nội không sắm đồ mới rồi". Chị vừa cười vừa nói nhưng tôi vẫn thấy đâu đó trong ánh mắt chị một nỗi buồn da diết. Chắc chị cũng nhớ nhà, nhớ quê, nhớ hình bóng quen thuộc của nội nhưng vì mưu sinh, phải gánh thêm mấy miệng ăn ngày Tết đến nên đành vậy.

Tranh thủ từng giờ

Để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống những ngày gần Tết và để có được một cái Tết đầm ấm người công nhân đã cố gắng hết sức để bươn chải. Họ tranh thủ từng ngày, từng giờ để tăng ca, hết đi làm ban ngày chuyển sang làm ban đêm, có những người sẵn sàng làm việc hơn 12 giờ một ngày để có tiền. Họ sẵn sàng tăng ca cả tháng trời với những đêm dài không ngủ bất chấp cơ thể của họ ngày càng tiều tụy sau những ngày dài "bán" sức khỏe.

Công nhân những ngày gần Tết - Ảnh 2.

Hình ảnh công nhân làm việc trong một khu công nghiệp. Ảnh: Internet

Khu công nghiệp thời điểm gần Tết thường là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm nên ngoài tăng ca để tăng thêm thu nhập thì người công nhân còn nghĩ ra vô số cách để kiếm thêm những đồng tiền dù là ít ỏi như bốc vác, phụ hồ, phụ quán nhậu, bán đồ ăn tạm... miễn là có tiền để chi tiêu cho những dự định nhỏ nhoi còn đang dang dở như mua cho con đứa con gái đầu chiếc xe đạp, hay thằng cu út mấy bộ đồng phục, quần áo cho ông bà nội ngoại, chiếc điện thoại... Cho dù vất vả thế nào đi chăng nữa người công nhân đều có thể làm được hết.

Chị Hồ Thị Tương, 27 tuổi, đang nuôi con nhỏ với điều kiện thời gian hạn chế để kiếm thêm thu nhập, vì vậy phát tờ rơi là công việc làm thêm mà chị lựa chọn lúc này. Chị chia sẻ: "Năm nay gia đình tôi tính về quê đón Tết, với lại có mấy việc cần làm nên tranh thủ phát tờ rời kiếm thêm ít đồng, tôi thường đi phát sau khi ăn cơm tối đến 10 giờ đêm, mỗi giờ được 30 nghìn chú ơi, mệt nhưng được thêm chút ít để chi tiêu".

Ở một cách nhìn khác thì Tết là dịp để kiếm thêm thu nhập. "Mấy ngày Tết kiếm bằng gần tháng lương rồi đấy chú ạ, người ta về hết nên có nhiều việc lắm, họ lại trả công cao", đó là những chia sẻ của Anh Thạnh - một giáo viên kiêm luôn nghề bảo vệ đêm ở khu công nghiệp. Với tôi cũng vậy, năm nay lại là một năm nữa tôi cũng không về quê đón Tết, nhưng tôi có lý do khác, tôi còn nhiệm vụ, biển cần chúng tôi. Về quê đón Tết gần như là một thứ gì đó xa xỉ từ ngày tôi vào quân ngũ...

Cũng đúng thôi bởi với một năm khó khăn nối tiếp khó khăn như vậy và với đồng lương ít ỏi của người công nhân thì việc về hay không về quê đón Tết gần như cũng là một quyết định đầy khó khăn. Khi mà mọi thứ đều leo thang những ngày Tết đến, rồi bao nhiêu thứ phải lo, phải sắm chí ít cũng gói bánh, giỏ quà, tiền tàu xe, tiền áo quần...

Không lẽ sau một năm xa quê bươn chải nơi xứ người ngày trở về lại không có gì... bao nhiêu băn khoăn cứ lởn vởn trong đầu, hàng xóm láng giềng, bạn bè nhìn vào xì xào bàn tán và muôn vàn lý do để suy nghĩ.

Tết đang rất gần nhưng cũng rất xa trong tâm trí một số người con xa xứ!

Ý kiến của bạn