Tin tức

Công nhân lo lương hưu không đủ sống

(VOVTV) - Hiện nay, rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang là lựa chọn của nhiều người lao động để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt.

Tác giả Kim Dung / VOV TP.HCM
11/05/2023 10:42

Một lý do được người lao động đưa ra nữa là họ không thể chờ đợi thêm vài chục năm để được nhận lương hưu, vì lo sợ mức lương hưu không đủ sống. Điều này đặt ra vấn đề sửa luật như thế nào để hấp dẫn, thu hút người lao động tiếp tục tham gia BHXH nhằm đảm bảo an sinh về già.

Lương hưu còn bất cập

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, TP.HCM kể: Một người từng là Phó chủ tịch công đoàn cơ sở ở 1 doanh nghiệp lớn trên địa bàn quận, sau hơn 30 năm đóng BHXH thì giờ đây, mỗi tháng chỉ được nhận lương hưu 2,7 triệu đồng. Mức lương không đủ chi tiêu buộc cựu cán bộ công đoàn này phải tiếp tục đi làm để kiếm tiền.

Công nhân lo lương hưu không đủ sống - Ảnh 1.

Công nhân rút BHXH một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt, đồng thời họ cũng lo sợ lương hưu sau này không đủ sống (Ảnh K.D)

Theo ông Hải, vấn đề cốt lõi là lương hưu thiết kế trong luật BHXH rất thấp. Mặc dù là hàng năm cơ quan BHXH có tính toán trượt giá nhưng lương hưu vẫn không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.

Rất nhiều công nhân làm việc trong những ngành nghề rất nặng nhọc, như: may mặc, giày da, điện tử...có cường độ làm việc cao. Đến tuổi trung niên, sức khỏe giảm sút. Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp có xu hướng giảm lao động lớn tuổi, tuyển những lao động trẻ hơn để trả lương thấp.

“Khi người lao động bị doanh nghiệp cắt giảm thì ở độ tuổi 40 rất khó để xin việc làm khác được. Nhưng chờ từ tuổi đó đến về hưu thì còn mấy chục năm nữa thì người lao động rất là khó khăn. Do đó họ xem BHXH một lần là phương kế sinh nhai sau khi mà không làm việc tại doanh nghiệp nữa”, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân nói.

Chị Vũ Thị Hiền, công nhân Công ty may mặc Quảng Việt ở huyện Củ Chi, TP.HCM cho rằng, hiện nay, cách tính lương hưu có sự phân biệt giữa người lao động khối tư nhân và cán bộ, công chức nhà nước.

Cụ thể, với người làm nhà nước, tùy vào thời gian bắt đầu tham gia BHXH mà lương hưu sẽ được tính dựa trên bình quân các năm cuối là 5-10-20 năm. Chỉ những người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025, sau này khi hết tuổi lao động, lương hưu mới được tính dựa trên toàn bộ thời gian đóng.

Trong khi đó, với người lao động ở khối tư nhân thì từ trước đến nay, lương hưu đều tính dựa trên toàn bộ thời gian tham gia mà không có lộ trình điều chỉnh. Chị Hiền kiến nghị nên sửa đổi luật làm sao có hướng điều chỉnh lại cách tính tiền lương hưu để cho người lao động, cụ thể là công nhân đóng BHXH theo mức lương do người sử dụng lao động quy định, thay vì bình quân quá trình tham gia thì bằng trung bình của 5 hoặc 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tại TP.HCM hiện có hơn 222.000 người đang nhận lương hưu với mức hưởng trung bình gần 6 triệu đồng/tháng. Trong đó, có trường hợp hưởng rất cao với hơn 124 triệu đồng/tháng nhưng có người chưa đến một triệu đồng/tháng. Hơn 45.000 người nhận lương hưu dưới 3,8 triệu đồng/tháng, thua mức thu nhập chuẩn nghèo của thành phố.

“Lương hưu cao hay thấp thì nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc đóng góp của người lao động, ví dụ như là cái thời gian đóng vào quỹ BHXH và mức đóng vào quỹ BHXH. Nếu thời gian đóng nhiều mức độ cao thì lương thu nó sẽ cao hoặc ngược lại thì lương hưu sẽ thấp”, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết.

Làm sao để lương hưu đủ sống

Đồng ý với nguyên tắc: đóng - hưởng, song theo một số đại diện tổ chức công đoàn, chính sách cần vận dụng thêm nguyên tắc sẻ chia giữa người lương hưu cao vài chục hoặc cả trăm triệu đồng mỗi tháng và người nhận khoản tiền quá thấp, không đủ sống dù là mức tối thiểu.

Công nhân lo lương hưu không đủ sống - Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Hồng Yến- Chủ tịch Công đoàn TNHH Intel Products Việt Nam đề xuất mức lương tối thiểu khi về hưu bằng mức lương tối thiểu vùng (Ảnh P.N)

Như vậy, cần có quy định sàn lương hưu với mức hưởng tiệm cận với lương tối thiểu vùng. Khi người lao động nhìn thấy tuổi già được đảm bảo, ít nhất ở mức cơ bản nhất, họ sẽ tin tưởng và ở lại với hệ thống.

Đồng tình, bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn TNHH Intel Products Việt Nam cho biết: Luật quy định rõ mức lương tối thiểu vùng là để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều người lao động khi về hưu, mức lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, điều đó sẽ khó giữ chân người lao động gắn bó với hệ thống BHXH.

“Nếu như mức lương tối thiểu khi về hưu cũng bằng mức lương tối thiểu vùng thì tôi tin rằng người lao động sẽ ở lại với quỹ. Bởi vì trên thực tế, nếu tính lương bình quân của cả quá trình đóng, sau đó nhân 75 % thì lương của nhiều người có thể nhận đâu đó khoảng 2- 3 triệu đồng”, bà Phạm Thị Hồng Yến nói.

Công nhân lo lương hưu không đủ sống - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM nói rằng Việt Nam cần sớm có Luật về mức sống tối thiểu (Ảnh K.D)

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, hệ thống đóng BHXH hiện vẫn chưa hấp dẫn, chưa thực sự gắn với mục đích đảm bảo cuộc sống khi về hưu. Do đó, người lao động muốn rút BHXH một lần để tìm kế sinh nhai khác.

“Chúng ta phải xác định được mức sống tối thiểu. Hiện nay Việt Nam chưa có luật về mức sống tối thiểu. Cho nên khi chúng ta đóng rồi, khi hỏi lương hưu sống được hay không thì không trả lời được. Tôi cũng nghĩ cần thông qua luật mức sống tối thiểu để khi đi làm thì phải đủ sống được và khi lương hưu cũng phải sống được”, ông Nhân nêu ý kiến.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 369.800 người rút BHXH một lần, tăng hơn 20% so với cùng kì. Nguyên nhân là do một phần do áp lực về kinh tế, mất việc, phần khác do tâm lý của người lao động trước thông tin sửa đổi quy định về rút BHXH một lần.

Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến của công nhân, người lao động, các chuyên gia về dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung. Đây là cơ sở để Quốc hội xem xét, xây dựng và thông qua các dự án luật làm cơ sở điều chỉnh chính sách an sinh xã hội hiệu quả./.

Ý kiến của bạn