Công nghiệp Cao Bằng: Phát triển đúng hướng, khai thác được tiềm năng, thế mạnh
(VOVTV) - Giai đoạn 2016 - 2020, ngành công nghiệp Cao Bằng có bước phát triển, khai thác được tiềm năng, thế mạnh và có hướng đi đúng, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn ngành thực hiện đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII, tăng 9% so với mục tiêu của Quy hoạch phát triển công nghiệp.
Giá trị sản xuất công nghiệp Cao Bằng (giá so sánh) năm 2016 đạt 1.885 tỷ đồng, dự kiến năm 2020 tăng lên 4.495 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 28,7%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) năm 2016 đạt 2.339,8 tỷ đồng, dự kiến năm 2020 tăng lên 5.441 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 25,3%/năm.
Trong giai đoạn này, một số nhà máy truyền thống duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, một số dự án mới hoàn thành và đưa vào sản xuất hiệu quả: Dây chuyền sản xuất phôi thép của Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng; 10 nhà máy thủy điện xây dựng hoàn thành, đi vào sản xuất với tổng công suất lắp máy 179,8 MW, chiếm 81% tổng công suất lắp máy của các nhà máy thủy điện đang phát điện trên địa bàn toàn tỉnh, nâng tổng số nhà máy thủy điện lên 19 nhà máy.
Các nhà máy này tạo ra năng lực tăng mới cho phát triển công nghiệp tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng qua các năm. Các sản phẩm chủ yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng truyền thống được duy trì sản xuất và đáp ứng nhu cầu cho thị trường như: gạch các loại, xi măng, đường kính, chiếu trúc, sản phẩm gỗ, phôi thép, Feromangan các loại, đá, cát sỏi, điện sản xuất tại địa phương.
Một số sản phẩm tinh quặng chì, kẽm, thiếc do ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ, thiếu nguyên liệu đã tạm ngừng sản xuất.
Năm 2016, toàn tỉnh có 1.463 cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thu hút gần 7.000 lao động; đến năm 2020 tăng lên trên 1.700 cơ sở, thu hút 7.800 lao động do một số dự án lớn như sản xuất phôi thép, các nhà máy thủy điện đi vào sản xuất.
Tỷ trọng thành phần kinh tế khu vực nhà nước tăng dần theo các năm. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh) khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 38,41%, dự kiến năm 2020 chiếm 49,36%.
Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực ngoài nhà nước giảm từ 61,58% năm 2016 xuống 50,64% năm 2020. Nguyên nhân do dự án sản xuất phôi thép xây dựng hoàn thành và đi vào sản xuất hiệu quả, giá trị sản phẩm phôi thép chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp, năm 2016 chiếm 28,5%, dự kiến năm 2020 chiếm trên 44,69%, góp phần tăng cao giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này.
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước cũng có tăng trưởng, tuy nhiên tỷ lệ đóng góp trong giá trị sản xuất công nghiệp giảm dần theo từng năm, năm 2015 chiếm tỷ trọng 84,71%, dự kiến năm 2020 chiếm 50,64% do một số nhà máy sản xuất chì, kẽm, gang đúc, thiếc thỏi ngừng sản xuất, các nhà máy sản xuất feromagan sản xuất đạt gần 50% công suất do thiếu nguyên liệu.
Năm 2020 chỉ có nhà máy fero của công ty NIKKO sản xuất từ tháng 4/2020, đã làm giảm giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế này, các nhà máy không phát huy được hết hiệu quả năng lực sản xuất.
Cơ cấu theo ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất và giảm dần qua các năm từ 90% năm 2016 xuống 68% năm 2020, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành này là công nghiệp chế biến khoáng sản.
Tỷ trọng sản xuất điện tăng dần từ 2,49% năm 2016 lên 13,86% năm 2020. Các ngành sản xuất này bước đầu khai thác được các lợi thế của tỉnh về tài nguyên, nguồn nguyên liệu trong sản xuất kinh doanh.
Với việc giai đoạn 2016 - 2020 hoàn thành các dự án trọng điểm giá trị cao như phôi thép và hàng loạt nhà máy thủy điện đưa vào sản xuất hiệu quả, ổn định làm cho giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao hơn dự kiến. Vì vậy, giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021- 2025 sẽ cao hơn số dự kiến theo Quy hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2025 đạt 7.530 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,86%/năm, tốc độ tăng trưởng công nghiệp về giá trị gia tăng đạt trên 9,7%/năm, đóng góp khoảng 9,5% trong cơ cấu GRDP tỉnh.
Việc giai đoạn 2016 - 2020 hoàn thành các dự án trọng điểm giá trị cao như phôi thép và hàng loạt nhà máy thủy điện đưa vào sản xuất hiệu quả, ổn định làm cho giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao hơn dự kiến.
Vì vậy, giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021- 2025 sẽ cao hơn số dự kiến theo Quy hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2025 đạt 7.530 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,86%/năm, tốc độ tăng trưởng công nghiệp về giá trị gia tăng đạt trên 9,7%/năm, đóng góp khoảng 9,5% trong cơ cấu GRDP tỉnh.
Phát triển công nghiệp trong giai đoạn này đã tạo bước chuyển biến mới và hướng đi đúng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Cao Bằng, tạo đà cho phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Tin nổi bật
Tin Video