Công nghệ

Công nghệ AI gây tranh cãi trong lĩnh vực âm nhạc

Công nghệ AI đang lan rộng trong lĩnh vực sản xuất và trình diễn âm nhạc. Tuy nhiên, sự phát triển của AI gây nên nhiều tranh cãi.

27/07/2021 10:19

Ngày 26/7, tờ Herald Corp đưa tin ca khúc được phát trong chương trình truyền hình Steel Troops đã làm dấy lên tranh cãi tại Hàn Quốc. Cụ thể, bài hát này là sản phẩm của phần mềm trí tuệ nhân tạo AISM.

Việc sử dụng công nghệ AI cho hoạt động sáng tạo đang trở nên phổ biến hơn trong lĩnh vực âm nhạc.

Công nghệ AI gây tranh cãi trong lĩnh vực âm nhạc - Ảnh 1.

Nhóm nhạc nữ Eternity có toàn bộ thành viên là ca sĩ ảo. Ảnh: Naver

Phần mềm trí tuệ nhân tạo được sử dụng để sản xuất âm nhạc từ năm 2010, khi nhà soạn nhạc ảo Emily Howell - sản phẩm của giáo sư David Cope tại Đại học California - cho ra mắt bài hát theo phong cách của Beethoven và Mozart.

Sau đó, vào năm 2016, Flow Machine - phần mềm sáng tác âm nhạc sử dụng công nghệ AI của Sony - đã phát hành loạt ca khúc tái hiện phong cách của những ca sĩ như The Beatles và Duke Ellington.

Nhà soạn nhạc AI đầu tiên của Hàn Quốc là EvoM. Lần đầu xuất hiện năm 2016, EvoM - viết tắt của "Âm nhạc tiến hóa" (Evolutionary Music) - được phát triển bởi giáo sư Ahn Chang Wook. Để sáng tác nhạc, phần mềm AI nghiên cứu bố cục bài hát thông thường, thu thập cơ sở dữ liệu về các ca khúc đã được sản xuất và sắp xếp nốt nhạc một cách ngẫu nhiên. AI có thể sáng tác ca khúc mới trong vòng 10 giây.

Thực tế, bài hát do AI viết từng được ca sĩ là người thật thể hiện. Vào năm 2020, Ha Yeon - em gái của nữ ca sĩ Tae Yeon (SNSD) - đã phát hành ca khúc do phần mềm AI Aimy Moon sáng tác. Cô là ca sĩ đầu tiên có bài hát ra mắt được sản xuất bởi AI.

Aimy Moon là nhà soạn nhạc ảo do Enter Arts phát triển. Aimy Moon từng tham gia viết nhạc cho Eternity - nhóm nhạc nữ ảo được hình thành nhờ công nghệ Deep Real AI của Pulse Nine. Vào tháng 3, Eternity chính thức ra mắt khán giả với MV I'm Real. Hiện MV của nhóm đã thu hút hơn 700.000 lượt xem.

Nhà soạn nhạc AI Aimy Moon từng sáng tác ca khúc cho em gái nữ ca sĩ Tae Yeon (SNSD). Ảnh: Enter Arts

Tuy nhiên, một trong những vấn đề được khán giả quan tâm nhất khi AI sáng tác nhạc là bản quyền. Quá trình sản xuất bài hát của AI cần có sự tham gia của nhà sản xuất, người dùng và người nắm giữ bản quyền dữ liệu mà AI sử dụng để học tập. Các chuyên gia nhận định sẽ khó để bảo vệ bản quyền cho sản phẩm của những nhà soạn nhạc ảo.

Ngoài ra, khán giả Hàn Quốc tỏ ra không thoải mái trước việc sử dụng AI để tạo nên người ảo. Herald Corp trích dẫn bình luận của một cư dân mạng: "Ca sĩ trong nhóm nhạc ảo trông thật đáng sợ". Đã có nhiều khán giả lên tiếng phản đối việc sử dụng nhà soạn nhạc và ca sĩ ảo trong sản xuất âm nhạc.

Ý kiến của bạn