Công bố luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường
(VOVTV) - Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa qua đã sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật.
Sáng 24/1, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ nhất thông qua là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật Nhà ở, Luật đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thì hành án dân sự.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 Luật, gồm: Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đầu tư, Luật Nhà ở, Luật đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thì hành án dân sự. Luật cơ cấu thành 11 điều, gồm: 9 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và một điều quy định về hiệu lực thi hành. Trong đó Điều 10 quy định Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022.
Để xử lý các quan hệ pháp luật phát sinh trước thời điểm Luật này có hiệu lực, điều 11 của Luật quy định chuyển tiếp đối với các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và Luật Thi hành án dân sự.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan việc với hình thức một luật sửa nhiều Luật có nên duy trì trong các kỳ họp bình thường của Quốc hội chứ không chỉ riêng trong các kỳ bất thường, ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, kỹ thuật lập pháp dùng một luật để sửa nhiều luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy pháp luật năm 2015, nhưng chỉ được áp dụng trong trường hợp cấp bách để xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện rõ trong các luật.
Tuy vậy, trong việc sử dụng kỹ thuật lập pháp một luật sửa nhiều luật cần cố gắng hạn chế tối đa và không nên lạm dụng kỹ thuật lập pháp này. Chỉ sử dụng trong những trường hợp cần thiết, cấp bách và được sử dụng trong những lĩnh vực có quan hệ xã hội gần với nhau.
Để dễ áp dụng Luật, các cơ quan sẽ tiến hành hợp nhất các văn bản theo đúng quy định của pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời các bộ, ngành có liên quan đến việc sửa Luật sẽ tiến hành tăng cường phổ biến pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Trả lời câu hỏi về việc đánh giá tác động của Luật đã đầy đủ chưa và biện pháp để chống tham nhũng chính sách, ông Phan Chí Hiếu cho biết, các chính sách lớn về các quy định cụ thể của dự án luật đã được đánh giá và tổ chức lấy ý kiến khá cụ thể. Mặt khác, các điểm sửa đổi, bổ sung đều là những nội dung tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng pháp luật, cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua là rất thấp, việc sửa Luật Thi hành án dân sự lần này có tác động như thế nào đến việc đẩy mạnh thu hồi tài sản tham nhũng, ông Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, những năm gần đây, việc thu hồi tài sản tham nhũng có tốt hơn. Tuy nhiên tính trung bình mới chỉ có khoảng 10% tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thu hồi được.
Theo ông Đỗ Đức Hồng Hà, Luật Thi hành án dân sự hiện hành quy định trong một số trường hợp việc thi hành án phải xử lý tài sản xong trên địa bàn thì cơ quan thi hành án dân sự mới được ủy thác để thi hành án trên địa phương khác. Trung bình mỗi vụ việc xử lý tài sản khoảng 6 tháng, nếu trong một vụ án mà có 5 vụ việc thì thì phải kéo dài đến 3 năm.
"Luật Thi hành án dân sự đã tháo gỡ bằng cách bổ sung cơ chế mới, đó là cơ chế xử lý tài sản đồng thời trên 6 địa phương có tài sản. Như vậy, thời gian để xử lý tài sản, thi hành án sẽ được giải quyết một cách triệt để và đó là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục điểm nghẽn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng vừa chậm, vừa thấp như thời gian vừa qua" - ông Đỗ Đức Hồng Hà nhấn mạnh.