Tin tức

Công an khuyến cáo người dân cảnh giác trước các chiêu lừa đảo qua ngân hàng

Càng gần cuối năm, tội phạm mạng ngày càng tấn công người tiêu dùng để lấy cắp thông tin, tài khoản với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo đó, Công an TP Hồ Chí Minh vừa có thông tin cảnh báo và cách phòng ngừa phổ biến để người dân cảnh giác.

23/12/2021 06:59

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, đối với thủ đoạn “giả mạo SMS Brandname”, tội phạm sẽ sử dụng các thiết bị viễn thông giả mạo tin nhắn SMS có tên thương hiệu các ngân hàng rồi gửi đến các thuê bao di động; hay sử dụng các tin nhắn giả mạo có kèm đường link website tên miền gần giống tên ngân hàng để dẫn dụ nạn nhân nhập thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến (user và password đăng nhập), số điện thoại, mã OTP xác nhận tài khoản. Nếu không tỉnh táo, những thông tin cung cấp trên đường link giả mạo sẽ được truyền về cho hacker và lập tức bị mất quyền sử dụng tài khoản ngân hàng, toàn bộ tiền sẽ bị chiếm đoạt.

Công an khuyến cáo người dân cảnh giác trước các chiêu lừa đảo qua ngân hàng - Ảnh 1.

Người dân cần cảnh giác trước các số điện thoại, đường link lạ yêu cầu chuyển tiền. Ảnh minh họa

Để đối phó với các thủ đoạn trên, ngành công an khuyến cáo người dân nên nhớ các trang web của tổ chức tài chính, ngân hàng thường được đăng ký tên miền .vn hoặc .com.vn; các trang web đăng ký giống nhưng đuôi khác như .vip, .top, .cc, .com… đều là giả mạo. Khi nhận tin nhắn từ phía ngân hàng mà có những dấu hiệu như thủ đoạn nói trên, người dân nên gọi tổng đài chính thức của ngân hàng kiểm tra lại thông tin mới nhận, phản ánh nội dung các tin nhắn vừa nhận được.

Đối với thủ đoạn “chuyển nhầm tiền”, cụ thể tội phạm cố tình chuyển một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân, sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo hoặc có người chuyển nhầm, yêu cầu khách hàng truy cập đường link website mạo danh ngân hàng để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền. Từ đây, hacker sẽ dẫn dụ nạn nhân lấy thông tin bảo mật (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng cách gọi điện xưng là người chuyển nhầm tiền vào tài khoản nạn nhân, để xin lại số tiền sẽ kết bạn Zalo, Facebook và gửi đường link mạo danh ngân hàng cho nạn nhân với lý do chuyển tiền nhanh; sau đó dẫn dụ nạn nhân cung cấp thông tin bảo mật. Khi nạn nhân thực hiện sẽ bị chiếm đoạt tiền.

Để đối phó với thủ đoạn trên, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không sử dụng số tiền "chuyển nhầm" vào mục đích chi tiêu cá nhân mà cần gọi điện thoại theo số hotline ngân hàng, nơi mình mở tài khoản, trao đổi sự việc rồi yêu cầu nhân viên phong tỏa số tiền "chuyển nhầm" hoặc trực tiếp đến ngân hàng gần nhất để có cách xử lý kịp thời.

Ý kiến của bạn