'Cơn lốc vàng' tàn phá rừng phòng hộ Thừa Thiên Huế
(VOVTV) - Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, nhiều điểm khai thác vàng trái phép tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế hoạt động trở lại. “Cơn lốc vàng” đang ngày đêm tàn phá núi rừng ở Thừa Thiên Huế, gây mất an ninh trật tự tác động xấu đến môi trường,…
Địa phương yêu cầu các lực lượng: Công an, Quân sự, Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông nhanh chóng vào cuộc kiểm tra thực địa, xác định các đường hầm khai thác vàng trái phép để có phương án xử lý.
Thời gian gần đây trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế rộ lên tình trạng khai thác vàng trái phép. Từ đầu năm đến nay, “vàng tặc” đã xới tung nhiều điểm rừng phòng hộ ở xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông. Các đối tượng khai thác vàng trái phép là người ở tỉnh Thái Nguyên cấu kết với người dân địa phương vào khai thác.
Ông Đinh Hồng Lam, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông cho biết, các đối tượng này từ nơi khác kéo đến, thuê người đân địa phương gùi cõng hàng và máy móc vào rừng phòng hộ để khai thác vàng.
“Về địa phương, sẽ phối hợp với các lực lượng Ban quản lí rừng phòng hộ cùng phối hợp tham gia các đợt truy quét của huyện. Ngoài việc tham gia truy quét thì địa phương cũng triển khai thêm công tác tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tay vận chuyển hàng cho những người đến lưu trú để làm công việc khai thác vàng”, ông Lam nói.
Vị trí xảy ra khai thác vàng trái phép nằm ở tiểu khu 393 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện nhiều đường hầm được đào khoét dài hàng chục mét sâu trong lòng núi, nhiều lán trại và các phương tiện, dụng cụ để phục vụ hành vi đào đất, đãi tìm vàng. Các đối tượng khai thác vàng đã bỏ trốn. Theo phản ánh của người dân, nhóm đào vàng trái phép tại rừng phòng hộ ở xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông khoảng 30 người.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông cho biết, từ cuối năm 2019, lực lượng tuần tra của đơn vị đã phát hiện có một số đối tượng khai thác vàng trái phép trên địa bàn nên đã tổ chức đẩy đuổi. Thời gian gần đây, tình trạng này tái diễn với quy mô lớn hơn.
“Đối với đơn vị, đã tổ chức từ đầu năm nay là 8 đợt truy quét, cũng có mời các đơn vị chức năng để tham gia để cùng xử lý. Nhưng cứ mỗi lần truy quét xong, xử lý xong thì đến khi mình rút thì họ lại tăng cường thuê nhân công của địa phương để vận chuyển lương thực hoặc thiết bị để phục vụ cho việc khai thác trái phép”, ông Nguyễn Văn Tiến chia sẻ.
Tại tiểu khu 393, rừng phòng hộ Nam Đông, xuất hiện 3 vị trí đào bới tìm vàng, cách nhau từ 1-3 km, với hệ thống hầm hào khá quy mô. Có thể thấy các đối tượng khai thác vàng đã “lén lút” hoạt động hơn một năm nay. Từ đầu năm 2021 đến nay, “vàng tặc” hoạt động rầm rộ hơn. Hệ thống lán trại và những vật dụng sinh hoạt hàng ngày vẫn còn nguyên cho thấy các đối tượng “vàng tặc” mới di chuyển, bỏ trốn vào trong rừng.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định không thể đánh sập các hầm này do nhiều hầm lớn, cần nhiều thuốc nổ, không đảm bảo an toàn. Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc sử dụng thuốc nổ đánh sập các hầm khai thác vàng không hiệu quả, các đối tượng có thể quay lại khai thác trái phép bất cứ lúc nào.
Trước mắt, huyện Nam Đông chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông, đơn vị chủ rừng, kiểm tra chặt chẽ hơn những người vào khu vực tiểu khu 393, lập chốt liên ngành để đẩy đuổi các đối tượng “vàng tặc” ra khỏi rừng.
Theo ông Lê Thanh Hồ cho biết: “Khoảng cách từ địa giới hành chính của xã Thường Quảng mà lên tới vị trí tiểu khu 393 này. Nếu người có sức khỏe, đi liên tiếp 10 tiếng mới tới nơi. Và tới vị trí khai thác vàng này, để chia ra, vì có 3 vị trí, có vị trí khoảng cách 2km, có vị trí khoảng cách 3km. Mối lần truy quét trên đó, ít nhất đi 12 tiếng đồng hồ và thời gian để phá hủy lán trại, phá hủy tất cả thiết bị máy móc phải thêm 2 tiếng nữa".
Tin nổi bật
Tin Video