Con kênh Nhiêu Lộc hóa ‘nhiều lộc’ như thế nào?
(VOVTV) - Những ai từng biết đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong quá khứ sẽ không thể tin vào mắt mình nếu trở lại ghé thăm địa điểm từng là “nỗi ám ảnh” của cư dân thành phố Hồ Chí Minh.
Ở Hà Nội có con sông Tô Lịch, ngoài ý nghĩa là một địa danh lịch sử thì còn được biết đến là một trong những địa điểm ô nhiễm bậc nhất của thủ đô. Để nhắc đến một nơi "đủ sức" sánh ngang nó cả về độ ô nhiễm, cả về bề dày lịch sử thì kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TPHCM chắc chắn đủ tầm.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng là cảm hứng cho bộ phim truyền hình Xóm Nước Đen được thực hiện cách đây tròn 25 năm. Nhắc đến Nhiêu Lộc – Thị Nghè người ta chỉ nhớ đến khu vực này dành cho người dân tứ xứ, có một con kênh bẩn thỉu, dơ dáy, nơi chứa tất cả rác thải của người dân, xác chó mèo.... Và nếu Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhận ở dơ số 2 thì chẳng đâu dám vơ vào mình vị trí số 1.
Nói vậy thôi chứ một Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị kỳ thị, chẳng ai muốn nhắc đến đã là chuyện của quá khứ. Nhiêu Lộc - Thị Nghè của hôm nay đã thực sự chuyển mình, khi trở thành một con kênh có dòng nước trong vắt, cá lội tung tăng, người dân nườm nượp tập thể dục, hoạt động hai bên bờ bởi môi trường trong lành, khác hẳn với những ký ức đáng buồn trước kia.
Nhiêu Lộc – Thị Nghè chuyển mình như thế nào?
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng được thí điểm nạo vét vào năm 1988 nhưng vì nhiều lý do cũng không cải thiện được gì. Đến năm 1993, thành phố tái khởi động kế hoạch đầu tư cải tạo kênh căn cơ. Mãi tới 10 năm sau, năm 2003, công ty CDM (Contruction and Designing Management - Mỹ) trúng thầu thiết kế. Năm 2005, công ty CHEN 3 (Trung Quốc) trúng thầu xây dựng.
Lần đầu tiên, nhà thầu Trung Quốc đưa robot hiện đại ra nước ngoài đào cống ngầm. Dự án có hàng loạt công trình. Xây trạm bơm công suất 20.000 m3/ giờ; di dời và tái định cư 11.423 hộ dân; đặt hệ thống cống ngầm đường kính 3m2, dài 8km, âm từ 10 – 30m; lắp 60km cống thu gom nước thải; nạo vét kênh; làm bờ bao và hai tuyến đường Hoàng Sa dài 8,3km, Trường Sa dài 7,8km...
Sau gần 10 năm kiên trì thực hiện, công trình hoàn thành vào tháng 6/2012. Dù chưa sánh bằng giai đoạn hoàng kim trước năm 1950 nhưng với người dân xung quanh khu vực này thì đây thực sự là truyện cổ tích thời hiện đại. Một con kênh đen ngòm rác thải, hôi thối nay trở nên trong xanh, cá lội tung tăng, hàng loạt các hàng quán mọc lên với tốc độ chóng mặt hai bên bờ.
Ngược dòng thời gian, theo tìm hiểu của PV VOVTV, cuối 2015, công ty Sài Gòn Boat khởi động tour "Du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc". Song dự án này suýt nữa không thành bởi con kênh vẫn xuất hiện mùi hôi, cá chết nhiều và người dân ý thức kém vẫn không ngừng đổ rác, xả thải xuống dòng kênh, khiến nó giống như một căn bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được nhưng người bệnh chủ quan, không lắng nghe cơ thể mình để rồi phải nhận một kết cục xấu.
Sau nhiều lần nghiên cứu, tìm hiểu, những người có trách nhiệm đã phát hiện ra lượng rác khổng lồ vứt xuống dòng kênh mỗi ngày cùng hệ thống cống dẫn là tác nhân của mùi xú uế. Cá chết nhiều phần vì ô nhiễm, phần vì người dân phóng sinh cá nước ngọt xuống môi trường nước lợ. Nhờ vào việc sử dụng chế phẩm sinh học zeolite để xử lý nước, kết hợp với việc nghiêm khắc xử phạt hành vi xả rác, tiểu tiện không đúng chỗ, nâng cao ý thức người dân kịp thời... đã hồi sinh dòng kênh bên bờ tuyệt vọng.
"Du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc" xứng đáng là tour du lịch tiêu biểu của thành phố
Tour "Du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc" đang nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân TPHCM và du khách ngoại tỉnh. Hiện công ty Sài Gòn Boat đầu tư 36 thuyền Phụng, mỗi thuyền từ 2-6 người; 4 thuyền Qui từ 7-15 người; 4 du thuyền trên 25-40 người. Trên thuyền phục vụ thức uống như rượu vang, nước ngọt, ăn nhẹ, các tiết mục nghệ thuật như nhạc hòa tấu, ảo thuật và những hoạt động cộng đồng đầy ý nghĩa.
Ở trên thuyền du ngoạn trên sông, du khách có thể theo dõi hoạt động của cư dân, hàng quán hai bên bờ sông, ngắm một góc Sài Gòn hoa lệ, hít hà hương thơm của các món ăn đa dạng cuốn theo làn gió mát lành. Du khách còn được đi qua rất nhiều các địa điểm nổi tiếng dọc bên hai bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè như Thảo Cầm Viên; mặt trận Thị Nghè; huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tòa nhà Landmark đến các chùa Vạn Thọ, Pháp Hoa, Kandaransi còn gọi là Chantarangsey (Khmer), tu viện Quan Âm...
Nhiều người còn ví von kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè giờ đã chuyển mình thành kênh "Nhiều Lộc", vì có nhiều tăng nhân, phật tử, cư dân chọn đây là nơi phóng sinh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, gia đình yên ấm, và nhiều trong số họ đều khẳng định rằng "cầu được, ước thấy".
Chủ tịch công ty Sài Gòn Boat - Phan Xuân Anh, người góp công lớn để kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chuyển mình chia sẻ, ông rất hạnh phúc khi nỗ lực đền đáp thành phố đã cưu mang mình, một người con miền Trung xa xứ, trở thành hiện thực.
Du khách trải nghiệm hoạt động thả đèn hoa đăng cầu may
Bên cạnh tour du lịch độc bản đang vận hành rất tốt, ông còn mong muốn biến tất cả những gầm cầu nơi thuyền đi qua trở thành những tác phẩm nghệ thuật ghi lại những chiến tích của cha ông ta trong các thời kỳ dựng nước, cứu nước, giúp người Việt cũng như người nước ngoài hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dải đất hình chữ S.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là minh chứng cho việc biến điều không thể thành có thể. Chỉ cần mỗi chúng ta ý thức hơn một chút cộng với quyết tâm của những con người tâm huyết cải thiện lại môi trường xung quanh thì bài toán đưa ra dù khó đến đâu cũng sẽ tìm ra đáp án.
Tin nổi bật
Tin Video