Tin tức

'Con đường phục hồi kinh tế tại Đông Nam Á còn xa'

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã trì hoãn sự phục hồi nền kinh tế ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Thái Lan - quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực.

17/05/2021 16:43

Theo Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội (NESDC), trong quý I/2021, sự tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương quan theo năm cho 4 quý gần nhất hiện thấp hơn 4,2% so với số liệu tại thời điểm quý IV/2020.

NESDC đã giảm dự báo tăng trưởng trong năm 2021 từ 2,5%-3,5% xuống còn 1,5%-2,5%. Trước đó, hội đồng đưa ra mức dự báo tăng trưởng 3,5%-4,5% cho nền kinh tế tại xứ sở chùa Vàng.

“Dịch bệnh nên được kiểm soát từ tháng 6 trở đi. Việc triển khai tiêm phòng thuận lợi sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Thái Lan”, Danucha Pichayanan - Tổng thư ký NESDC - chia sẻ.

'Con đường phục hồi kinh tế tại Đông Nam Á còn xa' - Ảnh 1.

Người phụ nữ lớn tuổi đẩy xe bán đồ ăn qua con phố bị phong toả ở Bangkok. Ảnh: AP

Từ đợt bùng phát dịch thứ 2, kéo dài từ giữa tháng 12/2020 đến đầu tháng 2/2021, các cơ sở kinh doanh như quán bar, karaoke và spa - nơi được cho là dễ lây lan virus nhất - đều bị yêu cầu đóng cửa.

Dù làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 chỉ mới bắt đầu và gây ra ảnh hưởng nhỏ trong quý I/2021, các nhà hàng đều được yêu cầu chuyển hình thức kinh doanh sang chỉ phục vụ các bữa ăn mang về. Chính phủ nước này cũng yêu cầu người dân hạn chế đi du lịch và khuyến khích họ làm việc tại nhà.

Sau khi nhận lại sự phản đối kịch liệt từ các chủ cơ sở kinh doanh nhà hàng, chính phủ đã cho phép ngành dịch vụ này hoạt động bình thường với điều kiện giới hạn chỗ ngồi ở mức 25%. Tuy nhiên, doanh thu nhà hàng vẫn duy trì ở mức thấp. Các hạn chế đã làm chậm lại chi tiêu tiêu dùng cá nhân, vốn đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, là nước có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào du lịch, dòng chảy du khách đến Thái Lan đang bị gián đoạn vì sự xuất hiện của làn sóng Covid-19 mới.

Xuất khẩu dịch vụ, gồm chi tiêu của người không cư trú như khách du lịch, giảm trong 3 tháng đầu tiên của năm 2021. Ngược lại, xuất khẩu hàng hoá lần đầu tiên ghi nhận mức tăng trưởng 3,2% trong 4 quý vừa qua.

'Con đường phục hồi kinh tế tại Đông Nam Á còn xa' - Ảnh 2.

Mức tăng trưởng GDP trong khu vực ASEAN từ quý I/2019 đến quý I/2021. Ảnh: Gorvement Data

Không chỉ ở Thái Lan, nền kinh tế ở các quốc gia khác trong khu vực đều chứng kiến mức sụt giảm hàng năm trong quý I/2021. Mức sụt giảm ở Philipines, Indonesia và Malaysia lần lượt là -4,2%, -0,7% và -0,5%. Tất cả các quốc gia này đều trải qua đợt bùng phát dịch cục bộ, gây gián đoạn các hoạt động kinh tế trong quý.

Dù đã có kinh nghiệm từ đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên trong quý II/2020, tương lai của nền kinh tế vẫn còn mơ hồ khi dịch bệnh chưa được dập tắt hoàn toàn.

Theo Nikkei Asia, tiến độ các chương trình tiêm chủng ở mỗi quốc gia sẽ tác động đến chi tiêu của người dân. Theo ngân hàng Trung ương Thái Lan, nếu 100 triệu liều vaccine được phân phối trong năm nay, vào quý I/2022, nền kinh tế sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 2% cho năm 2021 và 4,7% cho năm 2022.

Ngược lại, nếu sự chậm trễ trong việc tiến hành phân phối vaccine kéo dài tới quý III/2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan sẽ giảm xuống 1,5% cho năm 2021 và 2,8% cho năm 2022. Hơn nữa, nếu sự chậm trễ đó kéo dài thêm tới quý IV/2022, nền kinh tế sẽ dừng mức tăng trưởng ở con số 1% và 1,1% cho 2 năm 2021 và 2022 liên tiếp.

“Tiến độ triển khai vaccine chậm trong khu vực và sự xuất hiện của các chủng virus đột biến có thể khiến sự phục hồi của nền kinh tế thêm mơ hồ. Khi nền kinh tế vẫn còn vật lộn với virus, lạm phát và thất nghiệp, con đường phục hồi sẽ còn xa”, Margaret Tang – chiến lược gia của Daily FX, cho biết.

Ý kiến của bạn