Tin tức

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây

(VOVTV) - Ngay sau những trận lũ đá, lũ quét, đất chảy gây ra thảm họa kinh hoàng, người dân vùng sạt lở núi Phước Sơn, Quảng Nam đã gượng dậy ổn định cuộc sống. Những người Giẻ Triêng đi qua thiên tai khắc nghiệt càng thêm kiên cường, quyết tâm vượt khó tái thiết cuộc sống.

Tác giả Thanh Hà / VOV miền Trung
11/02/2021 17:12

Ngôi làng mới nép mình dưới chân núi Trà Vân, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam trông như một dãy phố. Sau thảm họa sạt lở, núi rừng nham nhở, mặt bằng để làm khu dân cư không còn nữa, địa phương chọn mảnh đất bằng phẳng trước ngôi nhà rông của làng cũ rồi huy động kinh phí xây một dãy nhà gồm 17 căn san sát nhau. Sau những tháng ngày sống tạm lều bạt, Tết này được về nhà mới, điện nước đủ đầy, ai cũng mừng.

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây - Ảnh 1.

Những căn nhà đầu tiên ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn được khánh thành sau đợt bão lũ năm 2020

Sau lễ cúng đất trời, mọi người quây quần bên ché rượu cần. Tiếng cười nói kể chuyện cũ, mong ước năm mới rộn vang cả một góc rừng. Trước cửa một căn nhà mới, cô bé Hồ Thị Giang ngắm nhìn ngôi nhà vừa xây xong. Giang nhớ mãi ngôi nhà cũ phía bên kia suối Nước Xa. Nơi ấy có chiếc cầu nhỏ cùng căn nhà gỗ bên suối với bao kỷ niệm tuổi thơ.

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây - Ảnh 2.

Những căn nhà đầu tiên tặng đồng bào Giẻ Triêng được xã hội hóa

Thôn 6, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam nằm giữa một thung lũng đẹp dưới chân núi Ngọc Linh, giáp tỉnh KonTum. Sau trận sạt lở núi kinh hoàng hồi cuối tháng 10 năm ngoái, đến nay đường vào thôn 6 vẫn chưa đi lại được. 30 hộ dân mất nhà, nhiều người phải làm nhà nơi khác, người còn ở tạm trong nhà người thân. 4 người mất tích vẫn chưa tìm thấy.

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây - Ảnh 3.

Vùng sạt lở núi Phước Kim gượng dậy sau 3 tháng xảy ra thảm họa

Ông Hồ Văn Hạnh, cựu thanh niên xung phong nay đã ngoài tuổi thất thập tiếc nuối ngôi làng nuôi sống bao nhiêu đời người, nay đã hoang tàn. Ông già người Giẻ Triêng nhớ mãi cái ngày 28/10 định mệnh. Hôm ấy, ông đang làm thuê ở bãi vàng của Công ty 72, bỗng nghe tiếng nổ ầm như sấm sét, linh tính báo cho ông biết, có chuyện chẳng lành. 

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây - Ảnh 4.

Tết này, chị Hồ Thị Đôn ở lại trụ sở UBND xã Phước Thành, huyện Phước Sơn đón tết

6 giờ sáng, ông băng đồi, cắt rừng về đến nhà lúc hơn 3 giờ chiều. Vừa về đến đầu dốc, ông sững sờ khi nhìn thấy ngôi làng chỉ còn lại bùn đất với những tảng đá to, người làng gào thét, đào bới tìm người thân. Vợ ông cõng đứa con duy nhất bị nhiễm chất độc da cam chạy thoát thân và bị gãy chân nay vẫn chưa lành. 

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây - Ảnh 5.

Bà con quây quần chung vui mừng ngày nhà mới

Sau thảm họa, vợ chồng ông Hạnh về ở tạm trong túp lều tại thôn 5A gần trụ sở xã, sống trong sự đùm bọc thương yêu của cộng đồng. Nhờ có sẵn nền đất ở thôn 5A nên ông được tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 140 triệu đồng xây căn nhà mới. Ngôi nhà xây khang trang với 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, trụ bê tông vững chãi kịp hoàn thành trước Tết trong niềm vui khó tả của người cựu thanh niên xung phong một thời ngang dọc mở đường Trường Sơn.

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây - Ảnh 6.

Ông Lê Văn Dũng- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam (áo khoác đen) chung vui với bà con trong bữa cơm ngày cuối năm tại một căn nhà mới của đồng bào

Chưa năm nào thời tiết bất thường như năm nay, sau bão lũ dồn dập, cả mấy tháng liền, trời cứ mưa lạnh kéo dài. Nhiều gia đình bị thiệt hại do thiên tai còn phải ở tạm trong những căn lều bạt, nhà người thân hoặc trụ sở xã, trường học.

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây - Ảnh 7.

Cắt băng khánh thành nhà mới tặng bà con vùng sạt lở núi trước Tết Tân Sửu

Vợ chồng anh Hồ Văn Xem, Hồ Thị Đôn ở xã Phước Thành bị trôi mất nhà được bố trí ở tạm trong trụ sở UBND xã mấy tháng nay. Bây giờ chị Hồ Thị Đôn đã quen với bếp ga và nồi cơm điện. Tết này, chị Đôn luôn cầu mong đất trời bình yên, không ai khổ vì sạt lở núi trôi nhà như năm vừa qua. 

Tết này, cuộc sống của nhiều gia đình ở nới sạt lở núi vùng cao Phước Sơn vẫn còn nhiều gian khổ. Nhưng với ý chí kiên cường của người vùng cao, sự chia sẻ, góp sức của cả cộng đồng, bà con bớt lo lắng, đón nhận một cái Tết ấm áp nghĩa tình. 

Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: "Tỉnh đã chỉ đạo, một là tập trung xây dựng lại nhà cửa, mọi người dân phải có nơi ở ổn định. Việc thứ hai là không để ai thiếu đói trước, trong và sau Tết. Việc thứ ba là chăm lo, không để bà con bị bệnh tật và việc thứ tư là chăm lo sản xuất, sớm ổn định lại cuộc sống. Tất cả mọi người dân đều phải có một cái Tết sum vầy."

Thời tiết ngày càng bất thường. Mưa bão năm Canh Tý cuốn trôi bao nhiêu tài sản quý giá mà người dân cả đời tích cóp. Cơ sở hạ tầng, đường sá nhiều năm xây dựng phút chốc chỉ còn trơ lại những bãi đất đá. Đất chảy, núi trượt vùi nhà. Người già, em thơ hồn bay bạt vía. Bao nhiêu gia đình, bản làng tan hoang. 650 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi hoàn toàn.

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây - Ảnh 9.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả sạt lở ở huyện Phước Sơn tặng quà nhân dân xã Phước Thành

Sau cơn hoạn nạn ấy, cả nước cùng hướng về khúc ruột miền Trung chia ngọt, sẻ bùi, tiếp sức cho bà con nơi sạt lở núi đi qua gượng dậy tái thiết cuộc sống, vơi bớt nỗi đau. Tết này, hơn một nửa số hộ gia đình mất nhà đã có được ngôi nhà mới.

Mùa Xuân mới đang về trên những bản làng vùng cao. Tình thương yêu đùm bọc của đồng bào muôn nơi đã tiếp thêm hơi ấm cho những bản làng vùng cao vừa đi qua một năm giông bão.

Ý kiến của bạn