COIVID-19: Thế giới vượt 61 triệu ca bệnh với 1,43 triệu ca tử vong
Theo trang worldometer, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 529.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.800 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 61 triệu ca, trong đó trên 1,43 triệu ca tử vong.
Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 104.000 ca), Ấn Độ (42.054 ca) và Brazil (37.672 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.259 ca), Mexico (858 ca) và Italy (822 ca).
Tại châu Âu, Nga có thêm 1 ngày có số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục với 25.487 ca, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 2.187.990 ca.
Số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua cũng tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay với 524 ca, theo đó tổng số người không qua khỏi do COVID-19 tại Nga tăng lên 38.062 ca.
Dù đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch COVID-19, trong đó có việc phong tỏa một phần, số ca nhiễm mới và tử vong tại châu Âu vẫn tiếp tục tăng trong những ngày qua, thậm chí lập kỷ lục mới.
Tại Anh, số ca tử vong trong ngày 26/11 được ghi nhận ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 5 vừa qua 696 ca, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại "xứ sở sương mù" lên 56.533 ca. Số ca nhiễm mới cũng tăng rất cao, với 18.213 ca trong ngày 26/11, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 1.557.007 ca, nhiều thứ bảy thế giới.
Một số nhà khoa học cảnh báo rằng việc Anh có kế hoạch nới lỏng các biện pháp chống dịch vào dịp nghỉ lễ Noel sắp tới có nguy cơ "đổ thêm dầu vào lửa". Tiến sĩ David Spiegelhalter thuộc trường Đại học Cambridge cho rằng nếu điều chỉnh các hạn chế chống dịch để người dân thoải mái hơn trong các dịp lễ, số ca nhiễm mới khi đó có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát.
Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove dự báo số ca nhiễm mới thậm chí có thể tăng gấp ba trong 5 ngày nghỉ lễ.
Tại Pháp, trong ngày 26/11, nước này ghi nhận 381 ca tử vong và 16.282 ca nhiễm mới. Với tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là 2.170.097 và 50.618 ca tử vong, Pháp hiện là nước có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ năm thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ, Nga và Brazil.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết đỉnh của làn sóng dịch lần thứ hai đã đi qua, cho phép dần nới lỏng các biện pháp chống dịch và quay về trạng thái bình thường bắt đầu từ ngày 28/11.
Theo đó, các cửa hàng không thiết yếu sẽ được phép mở trở lại, người dân cũng được phép ở bên ngoài lâu hơn... Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn được duy trì, trừ 5 ngày nghỉ lễ kéo dài từ 24-31/12. Riêng các nhà hàng, quán bar, quán cà phê và phòng tập gym vẫn phải đóng cửa đến ngày 20/1/2010.
Ngày 26/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng nhiều khả năng nước này phải sống chung với các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan đến tháng 1/2021, trong khi Chánh Văn phòng Thủ tướng lại đề xuất rằng thời hạn áp đặt các biện pháp phòng ngừa đại dịch này cần kéo dài đến tháng 3 năm sau.
Phát biểu trước Quốc hội, bà Merkel nhấn mạnh do số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao nên các biện pháp hạn chế được áp đặt trước Giáng sinh có thể sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến đầu tháng 1 năm tới đối với hầu hết các khu vực ở Đức.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức lại cho rằng các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội cần phải được kéo dài hơn nữa, có thể đến tháng 3/2021 vì nước này sắp phải trải qua một mùa Đông đầy khó khăn.
Ngày 25/11, Thủ tướng Merkel đã nhất trí với lãnh đạo 16 bang của nước này về việc gia hạn và thắt chặt lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh cho đến ngày 20/12 tới, nhưng sẽ nới lỏng các quy định này vào dịp Giáng sinh để các gia đình và bạn bè có thể cùng nhau đón mừng ngày lễ.
Tính tới 6h sáng 27/11 (giờ Việt Nam), Đức có thêm 21.576 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên trên 1 triệu ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 386 ca, nâng tổng số người không qua khỏi lên 15.767 người.
Tin nổi bật
Tin Video