Có thể xuất siêu 7 tỷ USD trong năm nay
Dù được đánh giá là năm rất khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa do dịch Covid-19 song hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay vẫn có nhiều điểm sáng. Dự báo dự báo cả năm nay xuất khẩu (XK) sẽ đạt khoảng 267 tỷ USD, xuất siêu 7 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng trưởng trong gian khó
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau quả gặp nhiều khó khăn do tác động của Covid-19, xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc giảm mạnh. Tuy nhiên, điểm sáng của xuất khẩu rau quả chính là thị trường EU khi ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến cắt giảm về 0%. “Thuế được xóa bỏ đồng nghĩa mặt hàng rau củ quả của Việt Nam sẽ rẻ hơn so với các nước đối thủ. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng rau, quả của Thái Lan, Trung Quốc, khi họ chưa có hiệp định thương mại tự do với EU. Dự báo, xuất khẩu rau quả sang thị trường EU từ nay đến cuối năm có thể tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết.
Cùng với rau quả, nhiều mặt hàng khác cũng đang dần tìm được đầu ra ổn định hơn, sau khoảng nửa đầu năm rất khó khăn do dịch bệnh. Theo Bộ Công thương, trong chín tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa XK ước tính tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong quý 3-2020, kim ngạch XK đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; tăng 34% so với quý 2 và 26,6% so với quý 1.
Báo cáo Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 nêu rõ, những tháng đầu năm 2020, quy mô xuất nhập khẩu giảm mạnh do nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất bị gián đoạn và thị trường đầu ra XK bị thu hẹp trong bối cảnh dịch bệnh. Việc EVFTA có hiệu lực đã tạo thêm dư địa cho hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó một số thị trường XK vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt như Trung Quốc, Mỹ…
Cụ thể, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nêu rõ, EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi từ ngày 1-8-2020 với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Nhờ đó, trong tháng 8 và tháng 9, kim ngạch XK hàng hóa đã tăng trưởng khả quan với 4,2% và 14,4% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu chín tháng của khu vực này đạt tới 71,4 tỷ USD, tăng mạnh 19,5%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131 tỷ USD, giảm 2,8%, chiếm 64,6%. Sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, 2019, khối doanh nghiệp (DN) trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động XK hàng hóa của Việt Nam trong chín tháng năm 2020 với mức tăng 19,5%, cao hơn bốn lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 4,1%) và đặt trong bối cảnh XK của khối DN FDI tăng trưởng âm (giảm 2,8%).
Về mặt hàng, XK gạo đã có nhiều điểm sáng trong thời gian qua khi tăng trưởng mạnh cả lượng và chất. chín tháng đầu năm 2020 lượng gạo XK của cả nước đạt gần 4,99 triệu tấn (giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2019), thu về gần 2,45 tỷ USD (tăng 11,1%), giá trung bình đạt 490,7 USD/tấn (tăng 12,7%). Việt Nam hiện có những loại gạo thơm giá XK hơn 1.000USD/tấn, thậm chí có thời điểm vượt cả Thái Lan ở cùng phân khúc và chủng loại gạo. Dự báo, giá gạo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, là tín hiệu vui đối với mặt hàng lúa gạo và nông dân Việt Nam.
Xuất siêu có thể đạt 7 tỷ USD
Về kết quả xuất nhập khẩu cả năm nay, trong báo cáo Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn đưa ra những con số chi tiết hơn. Ước cả năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt khoảng 527 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2019. Trong đó, kim ngạch XK hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1% so với năm 2019; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm 2019; thặng dư thương mại hàng hóa khoảng 7 tỷ USD. Tỷ trọng XK của DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch XK, giảm so với năm 2019 (khoảng 67,8%); XK của DN trong nước cả năm ước tăng 9,87% so với năm 2019.
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, để tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và có các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong khai thác, tiếp cận các thị trường trọng điểm, duy trì và mở rộng, không để giảm thị phần, mất thị trường XK, nhất là đối với các mặt hàng XK chủ lực; tập trung rà soát thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy XK, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các DN.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng tập trung tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ DN nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số, tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và XK.
Tin nổi bật
Tin Video