Cổ phiếu ngân hàng đắt đỏ?
Chuyên gia nhận định dòng tiền trên thị trường chứng khoán chảy vào nhóm ngân hàng sẽ sớm phân hóa khi định giá nhiều cổ phiếu không còn hấp dẫn.
Minh Nhật (25 tuổi, TPHCM) bán hết cổ phiếu trong danh mục, chủ yếu gồm các mã ngân hàng, từ đầu tháng 5 khi thị trường chung đang ở vùng 1.250 điểm. Lo sợ thị trường nói chung và dòng ngân hàng nói riêng sẽ điều chỉnh mạnh trước đợt dịch Covid-19 thứ 4 là lý do dẫn đến hành động chốt lãi của Nhật.
Tuy nhiên, trái với dự đoán của nhà đầu tư trẻ này, VN-Index vượt ngưỡng 1.300 điểm với sự dẫn sóng của loạt cổ phiếu ngân hàng. Nhật tiếc rẻ vì chốt lời sớm nhưng cũng không dám giải ngân thêm khi giá nhiều cổ phiếu ngân hàng lập đỉnh mới sau mỗi ngày.
Cổ phiếu tăng 2 lần sau 5 tháng
Thống kê của FiinTrade cho thấy trong một tháng gần nhất, 14 cổ phiếu ngân hàng có mức tăng giá trên 20%. Trong đó, 4 trong 5 mã tăng từ 30% trở lên là các nhà băng có quy mô tài sản, lợi nhuận khiêm tốn. Cụ thể, BVB (VietCapitalBank) tăng 49%, SGB (Saigonbank) tăng 32%, VBB (VietBank) và ABB (ABBank) cùng tăng 31%, TCB (Techcombank) tăng 30%.
Còn nếu lấy mốc tham chiếu là thời điểm đầu năm 2021, một số cổ phiếu ngân hàng đã gấp đôi sau chưa đầy 5 tháng. LPB (LienVietPostBank) đứng đầu bảng với mức tăng giá 111%, VPB (VPBank) tăng 107%, NVB (NCB) tăng 98%, VIB tăng 97%, SHB tăng 91%.
Ngoại trừ VCB (Vietcombank), BID (BIDV), PGB (PGBank) biến động trong biên độ hẹp, phần lớn cổ phiếu ngân hàng tăng giá 30% - 60% so với đầu năm nay, theo FiinTrade. Nhịp đi lên của các cổ phiếu ngân hàng vượt trội mức tăng 18% của VN-Index trong cùng thời gian trên.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), đánh giá đà tăng của dòng ngân hàng trên thị trường chứng khoán thời gian qua được thúc đẩy bởi hai yếu tố gồm sự tăng trưởng lợi nhuận của ngành và câu chuyện tăng vốn.
Thống kê của YSVN cho thấy toàn ngành ngân hàng ghi nhận lợi nhuận quý I tăng 78% so với cùng kỳ 2020 và 23% so với quý gần nhất. Nhiều nhà băng ghi nhận cả thu nhập lãi ròng lẫn thu nhập từ phí đều tăng trưởng.
"Ngành ngân hàng nhận thông tin tích cực từ Thông tư 03, giúp giảm áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu trong năm 2021 mà giãn ra trong 3 năm. Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu tích cực", ông Minh nhận định.
Song song đó, nhiều ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Theo chuyên gia của YSVN, việc tăng vốn là cơ hội giúp nhiều nhà băng có thêm dư địa để tăng trưởng tín dụng, cải thiện thu nhập từ lãi là mảng cốt lõi. Nhóm nghiên cứu của SSI thống kê 16 ngân hàng có kế hoạch tăng vốn tổng cộng gần 83.000 tỷ đồng trong năm 2021.
Nhiều ngân hàng đang được định giá đắt
Tuy nhiên, ông Minh nêu quan điểm những yếu tố tích cực trên đã phản ánh vào đà tăng giá cổ phiếu ngân hàng giai đoạn vừa qua. Trong khi đó, mức tăng trưởng của ngành này trong quý II, III có thể không còn cao như quý I. Chuyên gia này dự báo thu nhập ngoài lãi của một số ngân hàng từ kinh doanh trái phiếu, phí bảo hiểm có thể không còn cao như năm trước.
Ngoài ra, định giá của nhiều ngân hàng cũng đã không còn hấp dẫn mà trở nên đắt đỏ. P/B (hệ số giá trên giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu) của toàn ngành ngân hàng đang ở mức 2,41 lần, theo YSRadar.
Ông Minh đánh giá trên bình diện chung, P/B lớn hơn 2 là mức định giá khá đắt với ngân hàng. Nhưng một số ngân hàng có tỷ suất sinh lời vượt trội ví dụ như ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) trên 30 có thể được định giá cao hơn với P/B ở mức 2,5 lần.
Theo cập nhật của FiinTrade sau phiên giao dịch 27/5, 13 ngân hàng có P/B trên 2. Đặc biệt, VIB, VCB, SSB (SeABank) được định giá P/B hơn 3 lần. Trong nhóm các cổ phiếu ngân hàng được định giá cao nhất thị trường theo P/B, một số nhà băng có lợi nhuận khiêm tốn như SSB, BAB (BacABank) hay EIB (Eximbank).
"Mặt bằng định giá hiện tại của ngành ngân hàng khá cao, không còn hấp dẫn nữa. Tôi nghiêng về kịch bản cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa thay vì tất cả cổ phiếu tiếp tục cùng tăng dù triển vọng lợi nhuận toàn ngành năm nay nhìn chung tốt. Dòng tiền sẽ tìm đến một số cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện riêng như giảm tỷ lệ nợ xấu.
Bộ phận phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cũng nhận định triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu ngân hàng thời gian qua. Dù thế, một số cổ phiếu vẫn có thể có triển vọng, trong đó có cổ phiếu của những nhà băng có thể có tác động tích cực từ việc tăng vốn, có lợi nhuận phục hồi sau khi xử lý hết nợ xấu.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích ngành tài chính của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vẫn có quan điểm chung tích cực về cổ phiếu ngân hàng trong phần còn lại của năm 2021. Đại diện VCSC nhận định với Dân trí, tăng trưởng của các ngân hàng tư nhân sẽ cao hơn nhóm nhà băng có vốn Nhà nước.
Do đó, khoảng cách chênh lệch về định giá giữa nhóm ngân hàng tư nhân và quốc doanh có thể bị thu hẹp. Hiện tại, cổ phiếu các ngân hàng tư nhân tại Việt Nam đang được giao dịch với P/B hơn 1,9 lần, thấp hơn khá nhiều so với mức gần 2,4 lần của nhóm nhà băng có vốn Nhà nước.
Tin nổi bật
Tin Video