Có những thầy cô hy sinh cả tuổi xuân, là người cha, người mẹ thứ 2 của học trò
Các thế hệ nhà giáo đã nỗ lực khắc phục khó khăn, giữ vững ngọn lửa đam mê, là tấm gương sáng, tận tụy, tâm huyết với nghề. Có những thầy cô đã hy sinh cả tuổi xuân của mình, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em ở những vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.
Chiều nay (17/11), Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp cùng Bộ GD-ĐT tổ chức chương trình Gặp mặt, tri ân cán bộ ngành giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).
Thay mặt các cơ quan báo chí tổ chức chương trình, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam gửi lời chúc mừng, lời tri ân tới đội ngũ nhà giáo, những người công tác trong ngành Giáo dục trên mọi miền đất nước nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Minh cho rằng, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo”. Cùng với những người là công tác trị bệnh cứu người, những người công tác trong ngành giáo dục được xã hội tôn vinh là hai người thầy (thầy thuốc và thầy giáo). Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”.
Tiếp nối truyền thống, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã có quyết định lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là ngày để cả xã hội thể hiện tình cảm, tấm lòng trân trọng, tri ân đối với đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ ngành Giáo dục vì những đóng góp to lớn cho sự nghiệp “trồng người”.
“Các thế hệ nhà giáo đã nỗ lực khắc phục khó khăn, luôn giữ vững ngọn lửa đam mê, là tấm gương sáng, tận tụy, tâm huyết với nghề. Có những thầy giáo, cô giáo đã hy sinh cả tuổi xuân của mình, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em ở những vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.
Các nhà giáo cũng được xã hội tôn vinh, trân trọng bởi luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất, tinh thần sáng tạo không ngừng, tiên phong trong việc phát triển tri thức, đổi mới sáng tạo, vững vàng về tư tưởng, mẫu mực về đạo đức, nhân cách, đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội và hết lòng vì học sinh thân yêu. Các nhà giáo dạy bảo, dẫn dắt, chỉ đường cho những lớp lớp học trò lớn lên, trưởng thành, vươn lên trinh phục những đỉnh cao tri thức và đóng góp cho xã hội”, ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng, trong quá trình đổi mới, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành Giáo dục cũng như mỗi nhà giáo. Đó là, cơ chế, chính sách chưa đồng bộ,nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, thiếu cơ sở vật chất trường lớp học, thiếu giáo viên và đâu đó còn có sự chưa chia sẻ, thấu hiểu, hợp tác với đội ngũ nhà giáo trong đổi mới giáo dục của xã hội, các bậc phụ huynh.
Mặc dù vậy, quá trình đổi mới giáo dục của đất nước ta những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận khi hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được hoàn thành; chương trình giáo dục phổ thông 2018 từng bước được triển khai hiệu quả; tự chủ trong giáo dục đại học ngày càng được nhân rộng….
Để có được những thành công trong đổi mới giáo dục như trên, đội ngũ nhà giáo được xác định là một trong những yếu tố có tính quyết định.
“Những năm qua, bốn cơ quan báo chí gồm Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục, nỗ lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành cũng như của người thầy giáo, cô giáo; đồng thời là cầu nối, trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn thể nhân dân đóng góp ý kiến, góp phần tạo đồng thuận và niềm tin trong xã hội”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Là một trong những nhà giáo đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên cả nước chia sẻ tại chương trình, cô Hoàng Thị Thưu - Trường Tiểu học Hương Liên, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh- người có đến 27 năm gắn bó với học sinh dân tộc Chứt, một trong số các dân tộc rất ít người đã có những chia sẻ về hành trình gieo mầm tri thức của mình.
Cô Thưu cho biết, trong quá trình công tác, bản thân cô cũng như những đồng nghiệp dạy học sinh dân tộc thiểu số khác gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn dễ nhận thấy nhất là học sinh thuộc đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người, có điểm xuất phát rất thấp. Gia đình các em rất ít giao lưu với bên ngoài nên hầu hết các em rất ngại tiếp xúc với người lạ, các em gặp khó khăn trong việc học cũng như giao tiếp. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng chưa biết quan tâm đến việc học của con cái, gia đình không có thói quen tổ chức ăn sáng cho các con nên nhiều em bị suy dinh dưỡng, khả năng học nhiều tiết học trong gặp khó khăn.
“Khoảng cách từ nhà đến trường của các em khá xa, đường sá không thuận lợi nên có một thời gian các em không có động cơ học tập, tính chuyên cần không cao. Trước những khó khăn đó, ngành giáo dục huyện đã phát động chương trình bữa ăn sáng cho học sinh, chăm lo bếp ăn bán trú nên các em đi học chuyên cần trở lại, tiếp thu bài học tốt hơn”, cô Thưu chia sẻ.
Từ những thực tế trong quá trình công tác, cô Thưu kiến nghị với đặc thù dạy học sinh dân tộc thiểu số rất ít người, học sinh không học ở trường nội trú nên chế độ cho học sinh và giáo viên đang rất thiệt thòi, khó khăn. Đảng, Nhà nước cần có chính sách đặc thù cho dạy học đối tượng học sinh dân tộc thiểu số rất ít người học ở trường công lập và giáo viên dạy học sinh dân tộc rất ít người để duy trì sự chuyên cần của học sinh, giảm bớt khó khăn, thiệt thòi của giáo viên; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xóa mù chữ và phổ cập giáo dục thành công.
Phát biểu tổng kết tại buổi lễ, bà Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh, tôn sư - trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời nay, xây dựng nên một văn hóa hiếu học và bồi đắp đạo lý uống nước – nhớ nguồn của dân tộc ta. Sự tôn vinh đặc biệt ấy xuất phát từ trọng trách cao cả của giáo dục là tạo nên những thế hệ người Việt Nam kiên cường, sáng tạo, trách nhiệm và giàu lòng nhân ái.
Với những giá trị đó mà mỗi dịp 20/11 hằng năm, ai ai cũng dành tình cảm hướng về các thầy, cô giáo của mình để tri ân sự dìu dắt của thầy cô cũng như sự đóng góp của các nhà giáo cho xã hội, cho tương lai của đất nước.
Với nhiệm vụ lan tỏa và nhân lên những giá trị tốt đẹp trong xã hội, các cơ quan báo chí đã luôn đồng hành cùng các thầy cô trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Thông tin về ngành giáo dục và đào tạo là một nội dung quan trọng của các cơ quan báo chí.
“Ở một góc nhìn khác, người làm báo cũng luôn có được nguồn năng lượng tích cực, cảm hứng và cả những trăn trở khi khi tác nghiệp những đề tài về các thầy cô giáo của chúng ta. Đó là hình ảnh các thầy, cô ở các vùng miền trên cả nước, trong từng lĩnh vực giảng dạy miệt mài truyền đạt tri thức cho học trò. Dẫu biết rằng khó khăn vẫn còn nhiều, một số lĩnh vực còn chưa theo kịp sự phát triển vô cùng nhanh chóng của xã hội, của công nghệ số, nhưng các thầy, cô đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành nhiệm vụ.
Đại dịch COVID-19 đã một lần nữa cho thấy điều này khi học sinh không đến trường nhưng không dừng việc dạy và việc học. Và ngay cả trong ngày hôm nay, các thầy cô giáo ở Thừa Thiên-Huế cũng gác lại các hoạt động tôn vinh thầy cô giáo để dọn dẹp lại trường lớp sau những cơn mưa lớn để các em học sinh có thể trở lại trường sớm nhất.
Thông tin báo chí cũng góp phần làm rõ những chủ trương, chính sách, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội để cùng quyết tâm thực hiện những đổi mới trong ngành giáo dục để giáo dục Việt Nam phát huy được nguyên khí hiền tài đất nước và hội nhập với nền giáo dục quốc tế hiện đại.
Bên cạnh đó, thông tin báo chí đã phản ánh khách quan thực trạng của những hạn chế, bất cập gây cản trở sự phát triển của hoạt động giáo dục và sự tận tâm cống hiến của các nhà giáo. Qua đó, các cấp, các ngành phải cùng chung tay để có giải pháp tháo gỡ”, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh.
Tại chương trình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự vui mừng, cảm động trước những tình cảm của 4 cơ quan báo chí dành cho ngành giáo dục.
“Ngày 20/11 hay được nhắc đến là ngày cả xã hội tri ân các nhà giáo, nhưng chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, những nhà giáo cũng chọn ngày này để nói lời cảm ơn đến với toàn xã hội và cuộc đời, vì đã mang đến cho chúng tôi một nghề rất đỗi vinh quang và cao quý. Đây cũng là ngày để những người trong ngành giáo dục cùng nhìn lại mình, để cùng cố gắng sao cho xứng đáng với tình cảm của toàn xã hội dành cho mình”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, ngành giáo dục đang bước vào cuộc cải cách sâu rộng nhất từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Việc lớn, việc khó ấy diễn ra vào đúng thời điểm Covid-19, càng khiến những thách thức mà ngành giáo dục phải đối mặt tăng lên gấp nhiều lần.
“Tại nhiều quốc gia, đi qua đại dịch chỉ mong lớp học không tan vỡ, với chúng ta, không những đảm bảo được nền giáo dục không bị đứt gãy mà còn thực hiện cuộc cải cách lớn. Trong công cuộc đó có sự cố gắng vượt bậc của hơn 1,6 triệu nhà giáo đã không những nỗ lực để tạo ra những thành quả còn có phần khiêm tốn.
Trường học ngày nay không còn như trước đây, không gian số đã thay đổi hoàn toàn trường học, vị thế người thầy cũng đã khác trước. Người thầy sẽ là người định hướng, dẫn dắt cho học sinh, hình thành những kỹ năng, năng lực. Muốn vậy nhà giáo cũng phải tự rèn luyện cho mình những phẩm chất và kỹ năng mới. Những nguyên lý bất biến của giáo dục không mất đi nhưng đang dần đổi mới. Trong quá trình đó, chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ sâu sắc hơn, đồng hành, thấu hiểu của báo chí cả nước cùng ngành giáo dục, để báo chí thực sự là “bà đỡ” cho sự đổi mới của giáo dục”, Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Tin nổi bật
Tin Video