Tin tức

Có nên quy định về thu phí trên đường cao tốc?

Một trong những điểm mới của dự thảo luật giao thông đường bộ sửa đổi là Chính phủ đề xuất thu phí đường cao tốc. Đề xuất này có cần thiết và đủ sức thuyết phục hay không? PV Đài TNVN nhi nhận một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về đề xuất này.

Tác giả Đỗ Minh - Vân Hồng /VOV1
16/11/2020 01:37

Theo quy hoạch có 6.400km đường cao tốc nhưng đến năm 2023 mới đưa được 2.000 km đường cao tốc vào sử dụng trong khi các địa phương đều đề nghị, đường cao tốc phải kết nối với trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh để phục vụ nhu cầu phát triển. Với nhu cầu như vậy, quy hoạch đường cao tốc có thể lớn hơn, lên đến 10.000km. 

Đồng tình với đề xuất thu phí trên đường cao tốc vì bản chất phí thu cho tuyến đường này là dành cho duy tu, sửa chữa và tính đến hiệu quả đầu tư, song đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh lưu ý, phải quy hoạch một cách rõ nơi đặt làm cao tốc. 

Theo đó, nếu trùng vào đường dân sinh, đường nhân dân lưu hành bình thường thì việc đặt BOT thu phí là không hợp lý. Đối với những nơi để phục vụ phát triển, khu công nghiệp, những tuyến đường vận tải có kinh doanh vận tải, thu phí là một điều tất yếu. Như vậy, mới đủ nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tốt.

Có nên quy định về thu phí trên đường cao tốc? - Ảnh 1.

Tuyến đường nối về Khu Kinh tế Nhơn Hội mở ra cơ hội phát triển cho Khu Kinh tế này và thành phố Quy Nhơn. Ảnh: Thành Long

Vẫn xoay quanh vấn đề về có nên quy định về thu phí trên đường cao tốc, xem xét ở góc độ vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, vừa tính đến những giá trị vượt trội từ việc quản lý, sử dụng đường cao tốc, có những quan điểm trái chiều được đưa ra.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH TP Hà Nội, rõ ràng người dân cùng đóng thuế, các nghĩa vụ tài chính như nhau, nhưng người hưởng lợi từ đường cao tốc mà chính phủ đầu tư bằng ngân sách không phải trả phí đi trên đường đó. 

Ngược lại người dân ở vùng không được đầu tư cao tốc thì phải đi đường dân sinh bình thường, không được hưởng lợi từ đường cao tốc, và nếu đi vào đường BOT thì phải trả tiền. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đó là sự bất bình đẳng. "Tôi cho rằng, những đầu tư có giá trị vượt trội như đường cao tốc thì ai lựa chọn để được hưởng lợi nhiều hơn thì phải trả phí so với những người không được hưởng lợi cái đó," ông Cường phân tích.

Ý kiến của bạn