Có nên bỏ 'giấy thông hành' Covid-19?
(VOVTV) - Trong bối cảnh 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16 thì việc đảm bảo lưu thông hàng hoá thuận lợi để kịp thời cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu… cho nhân dân rất quan trọng. Thời gian qua, vẫn còn có tình trạng ách tắc, khó khăn vận chuyển vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19.
Nên bỏ giấy xét nghiệm Covid-19 cho tài xế
Lái xe Bùi Văn Tuấn, ngụ quận Tân Bình, làm việc tại một doanh nghiệp chuyên phân phối hàng hoá, thường đi lại ở cung đường TP.HCM – Bình Dương cho biết, anh có nghe về thông tin Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo không cần phải kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 ở các địa phương cùng áp dụng Chỉ thị 16.
Tuy nhiên, anh Tuấn cho biết hàng ngày tại các chốt anh đi qua vẫn kiểm tra và việc này cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hàng hoá. Vì thế, lái xe Bùi Văn Tuấn mong muốn cần phải có sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và nên bỏ giấy xét nghiệm Covid-19 để tạo thuận lợi cho hoạt động của lái xe.
Anh Tuấn nói: "Theo chỉ thị như vậy thì mình áp dụng chung thôi có nghĩa là miễn giấy xét nghiệm đi. Tại vì 3 ngày test Covid-19 thì cũng không phản ánh đúng người đó có nhiễm Covid-19 không nên kiểm tra tờ giấy đó không hợp lý lắm. Bỏ cái giấy xét nghiệm đi thì sẽ nhanh hơn trong vận chuyển vì tài xế đỡ đi để test Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình sắp xếp nhân lực".
Còn tài xế Cao Ngọc Thạch (ngụ TP. Thủ Đức) cho rằng, không cần thiết phải kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 vì như thế sẽ tập trung đông người tại các chốt, tăng nguy cơ lây nhiễm. Các địa phương cũng nên có sự đồng bộ trong quản lý, tạo điều kiện cho hàng hóa và cả người dân có nhu cầu được dễ dàng qua chốt, nhất là những người mất việc ở TP.HCM có mong muốn về quê.
"Tôi mong muốn bây giờ nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân về quê theo lời Thủ tướng. Có giấy xét nghiệm âm tính 3 ngày thì cho về chứ bây giờ ở trên này không có việc làm, ở nhà trọ, ra đường thì khó khăn. Quy trình tại các chốt phải thống nhất với nhau, tạo thuận lợi cho người dân", anh Cao Ngọc Thạch chia sẻ.
Các chủ doanh nghiệp vận tải cũng cho rằng không cần thiết phải có giấy xét nghiệm Covid-19 bởi việc này làm tăng kinh phí cho doanh nghiệp, tăng nguy cơ lây nhiễm khi tài xế thực hiện xét nghiệm Covid-19.
Theo ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh (quận 7), nhiều tài xế xe hàng chạy tuyến gần như TP.HCM – Bình Dương, TP.HCM – Đồng Nai… không dừng dọc đường, không xuống xe tại điểm bỏ hàng, nhưng theo quy định hiện nay thì phải xuống xe kiểm tra, test Covid-19 hoặc đi lấy mẫu xét nghiệm làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Lê Trí (quận 1) cho rằng, không cần thiết phải có "giấy thông hành" Covid-19 đối với xe container mà nên để có các doanh nghiệp chủ động.
Theo ông Hiếu, thực tế là trong thời gian thực hiện giãn cách, chỉ có các ngành sản xuất hàng thiết yếu, đảm bảo phòng chống dịch mới hoạt động. Vì thế các doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng chỉ chở các nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất nên có thể miễn giấy này. Qua đó sẽ giúp cho các doanh nghiệp vận tải đỡ đi một công đoạn, tốn chi phí và thời gian; doanh nghiệp vận tải nào vi phạm thì xử lý nghiêm.
Cần thiết nhưng chỉ quản lý đầu - cuối
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cần phải có ý thức bảo vệ hoạt động của doanh nghiệp mình, bảo vệ tài xế… cho nên việc thường xuyên xét nghiệm Covid-19 là cần thiết.
Vấn đề là hiện nay công tác này đang triển khai không phù hợp nên gây lãng phí, ách tắc trong vận chuyển. Vì thế ông Bùi Văn Quản đề nghị cần phải có cách làm phù hợp để vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa giúp lưu thông hàng hóa thuận lợi. Và trong bối cảnh cả 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16 thì việc kiểm tra giấy thông hành tại các chốt là không cần thiết.
"Bây giờ cách xét nghiệm đừng lãng phí và phù hợp. Điểm đi xét nghiệm tại gốc, điểm tới bỏ hàng thì phải chấp hành còn trên đường thì thôi, để cho thông thương bởi toàn quốc nhiều chỗ giãn cách thì quản lý cái gốc", ông Bùi Văn Quản cho biết.
Ở khía cạnh cơ quan chức năng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tấn Tài cho biết tỉnh này vẫn triển khai kiểm tra phương tiện và giấy xét nghiệm Covid-19 với tài xế ngoại tỉnh. Theo ông Nguyễn Tấn Tài, nhờ áp dụng công nghệ như đưa vào ứng dụng Tây Ninh smart, tài xế cũng chuẩn bị sẵn thông tin trên điện thoại thông minh nên quy trình kiểm tra tại các chốt diễn ra nhanh, chỉ mất vài phút là hoàn thành.
Tại mỗi chốt, lực lượng chức năng cũng túc trực để giải quyết cho các phương tiện nên ghi nhận trong những ngày qua, việc lưu thông qua các chốt thuận lợi. Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Tấn Tài cho rằng, mặc dù 19 tỉnh, thành phía Nam cùng thực hiện Chỉ thị 16 nhưng cấp độ mỗi nơi khác nhau nên việc kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 là cần thiết.
"Chỉ thị 16 có nhiều cấp độ, cấp độ của TP.HCM với Tây Ninh hay của Tây Ninh với Bình Dương khác nhau. Phải hết sức cân nhắc, trong chỉ đạo điều hành phải linh hoạt và ứng phó tình huống. Tây Ninh thì trong nội tỉnh không kiểm tra, ngoài tỉnh theo văn bản của Bộ Y tế thì hết sức thận trọng, ngành cũng đã báo cáo UBND tỉnh và thực hiện theo chỉ đạo là người từ vùng khác về phải có giấy xét nghiệm Covid-19", ông Nguyễn Tấn Tài cho hay.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021, trong đó nêu rõ "cần thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách và các địa phương khác; bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội".
Cũng theo Nghị quyết này, "các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, thường xuyên trao đổi với nhau để thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện đi, đến giữa các địa phương, bảo đảm phối hợp chặt chẽ, thông suốt, hiệu quả".
Vì thế, 19 tỉnh, thành phía Nam cần thiết phải có sự thống nhất để đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, góp phần tạo thuận lợi cho công tác phòng chống dịch.
Tin nổi bật
Tin Video