Văn hóa - Du lịch

Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến

(VOVTV) - Triển lãm “Nhiệt” diễn ra tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San (189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, TP.HCM) đang trưng bày 6 tác phẩm của họa sĩ Đặng Quang Tiến. Loạt tranh này nằm trong chủ đề miền Tây Nam bộ mà Đặng Quang Tiến đã theo đuổi trong suốt vài năm qua.

Tác giả PV/VOV TP.HCM
08/03/2024 20:12

Đặng Quang Tiến chia sẻ rằng những chuyến đi trở về quê hương đã khiến anh có một cái nhìn khác về mảnh đất nơi mình sinh ra. Bỗng dưng, người hoạ sĩ trẻ bị thu hút trước những cảnh tượng rất đỗi bình thường như cảnh vịt chạy đồng, rừng ngập mặn, những đàn chim bay vút. 

Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến
- Ảnh 1.

Triển lãm “Nhiệt” diễn ra tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San (189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, TP.HCM) có sự tham gia của 4 tác giả, trong đó họa sĩ Đặng Quang Tiến (1992) tham gia 6 tác phẩm

“Những chuyến đi càng khiến tôi nhận ra quê mình thực sự giàu có, cái giàu ở đây không phải là vật chất mà là ở chất liệu văn hoá, từ những ngôi nhà cổ, chùa Khmer, cho đến đồ gốm sứ, trang trí mỹ nghệ. Tôi cảm thấy trước đây mình đã bỏ qua một nguồn đề tài hấp dẫn ngay ở chính nơi mình sinh ra” - Đặng Quang Tiến tâm sự.

Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến
- Ảnh 2.

Người họa sĩ trẻ bị thu hút trước những cảnh tượng rất đỗi bình thường như cảnh vịt chạy đồng, rừng ngập mặn, những đàn chim bay vút.

Thế nhưng, Đặng Quang Tiến không đưa toàn bộ cảnh sắc miền Tây quen thuộc ấy vào trong tác phẩm. Có thể thấy điều này trong bức Chiều quê 2 trưng bày tại triển lãm khi một chú vịt đực cổ xanh bỗng đâu chạy ngược đàn, tạo một nét điểm xuyến thi vị cho cả tác phẩm. Hay ở một số bức khác tả bụi trúc vàng rộm trong nắng chiều, Đặng Quang Tiến đã dùng kỹ thuật để tỉa nét rất kỹ những nhánh cây nhưng đâu đó người xem vẫn cảm nhận được tình cảm của tác giả trong từng chiếc lá rung hay chú gà đứng trơ trọi ở góc sân. Cái khung cảnh người hoạ sĩ vẽ nên mang cả cái tĩnh của cảnh sắc lẫn cái động của đời sống đồng quê êm đềm.

Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến
- Ảnh 3.

Tác phẩm "Chạy đồng"

Sự tỉ mẩn trong kỹ thuật và lối vẽ tinh tế đã khiến tranh Đặng Quang Tiến “lọt vào mắt xanh" của nhiều nhà sưu tập. Họa sĩ Lê Thế Anh nhận định: “Khi phong trào màu nước lắng dần, những hoạ sĩ sử dụng chất liệu này nếu muốn khẳng định được tên tuổi của mình thì đều phải chọn một hướng đi riêng. Nếu Hồ Hưng nổi bật bằng bút pháp, Toán Nguyễn khiến người xem chú ý với lối tả thực thì Đặng Quang Tiến lại tìm được chỗ đứng của mình bằng một đề tài thú vị. Cái khung cảnh vịt chạy đồng của Tiến là nét đặc trưng của đất Tây Nam bộ. Tiến vốn là một hoạ sĩ xuất thân từ miền Tây, nhìn ra được nét riêng đó và biến nó thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc thì lại càng thuyết phục nhà sưu tập hơn nữa.

Nhưng tôi nghĩ các nhà sưu tập không phải chỉ bị cuốn hút bởi đề tài mới mẻ thôi đâu. Ở Tiến, tôi nghĩ tựu trung lại có 3 yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất là góc nhìn chủ đề độc đáo như đã nói ở trên. Thứ hai là sức làm việc kinh khủng, có những bức tranh của Tiến dài đến hơn 7 mét, vẽ liên tục và cực kỳ chăm chú. Vẽ màu nước khổ lớn rất nhọc sức, với độ lớn của giấy như vậy thì buộc người vẽ phải đứng suốt để làm việc, chưa kể chiều dài cánh tay của chúng ta thì đâu đó khoảng 1 mét thôi, hoạ sĩ phải rướn người liên tục. Thứ ba là kỹ thuật, hãy thử tưởng tượng, nếu vẽ một vài đối tượng trên tranh thì dễ vì ít có sự tương quan, còn tranh của Tiến vẽ đến cả trăm con vịt, chưa kể ruộng đồng bao la, điều này đòi hỏi người vẽ phải tính toán tổng thể rất giỏi, đặt trước sau, trên dưới có lớp lang. Nhà sưu tập họ rất tinh, nhìn ra được tất thảy những điều ấy, đó cũng là lý do vừa rồi tranh của Tiến được nhiều người tìm mua là vậy”.

Họa sĩ Đặng Quang Tiến tâm sự rằng nguồn suốt mấy năm liên tục vẽ đề tài miền Tây, nguồn cảm hứng trong anh lại ngày càng dồi dào thêm. Những chất liệu văn hoá, đời sống sinh hoạt của quê hương Nam kỳ lục tỉnh dường như mỗi lúc lại một phác lộ trước đôi mắt của người hoạ sĩ trẻ tò mò. Trong thời gian tới, Đặng Quang Tiến sẽ thử nghiệm nhiều hơn với chất liệu văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và hứa hẹn mang đến một trải nghiệm thị giác đương đại cho người thưởng lãm. 

Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến
- Ảnh 4.
Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến
- Ảnh 5.
Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến
- Ảnh 6.
Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến
- Ảnh 7.
Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến
- Ảnh 8.
Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến
- Ảnh 9.
Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến
- Ảnh 10.
Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến
- Ảnh 11.
Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến
- Ảnh 12.
Có một miền Tây Nam bộ thân thương trong tranh Đặng Quang Tiến
- Ảnh 13.

Bộ tranh của Đặng Quang Tiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Nhiệt” đến hết ngày 24/3.


Ý kiến của bạn