Cơ hội, thách thức và lựa chọn của Trung Quốc trong cuộc chiến Nga - Ukraine
(VOVTV) - Những cơ hội mà cuộc chiến Nga - Ukraine mang lại cho Trung Quốc lớn hơn nhiều những thách thức, nhưng làm thế nào để ứng phó mới là vấn đề mấu chốt.
Trang mạng “Quốc tế”, Trung Quốc, mới đây, đăng bài viết của tác giả Hoàng Tịnh, Giáo sư thuộc Đại học ngoại ngữ Thượng Hải, với nội dung như sau.
Hiện tại, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang đi vào bế tắc. Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ chối can thiệp trực tiếp, dựa vào ưu thế quân sự áp đảo của mình, Nga có thể kiểm soát tình hình, từ đó đạt được mục đích cơ bản là chia rẽ, làm tổn hại nghiêm trọng đến sức mạnh quân sự và cắt đứt con đường gia nhập NATO của Ukraine. Mặc dù tình hình vẫn chưa rõ ràng, nhưng cuộc chiến Nga - Ukraine đã dẫn đến những thay đổi lớn trong cục diện thế giới.
Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc như thế nào? Có hai quan điểm đối lập nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng đây lại là thời cơ chiến lược lớn cho Trung Quốc kể từ sau sự kiện 11/9. Quan điểm thứ hai cho rằng điều này đã mang lại những thách thức nghiêm trọng cho Trung Quốc. Tác giả bài viết cho rằng những cơ hội mà cuộc chiến Nga - Ukraine mang lại cho Trung Quốc lớn hơn nhiều những thách thức, nhưng làm thế nào để ứng phó mới là vấn đề mấu chốt.
Cơ hội của Trung Quốc
Trước tiên, cuộc chiến Nga - Ukraine đã kéo các cường quốc trên thế giới, bao gồm Mỹ, châu Âu và Nga lún sâu vào Ukraine. Trung Quốc, bên không bị kéo vào cuộc khủng hoảng Ukraine, đã trở thành đối tượng để các bên tranh giành (vì những lý do khác nhau). Chỉ cần Trung Quốc kiên trì không bị kéo vào cuộc khủng hoảng này thì sẽ nắm được quyền chủ động.
Thứ hai, cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm gia tăng những mâu thuẫn nội tại trong chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc của Chính quyền Joe Biden. Một mặt, Chính quyền Biden tiếp tục thu hẹp chiến lược dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, với ý đồ tập trung sức mạnh để cạnh tranh Trung Quốc.
Đây cũng chính là lý do khiến Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Mặt khác, Chính quyền Biden nhận thức được rằng một mình Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc, chỉ có xây dựng liên minh toàn cầu do Mỹ đứng đầu thì mới có thể gây sức ép toàn diện với Trung Quốc. Tuy nhiên, bản chất chiến lược “khôi phục liên minh” là mang tính mở rộng. Mâu thuẫn giữa sự thu hẹp và mở rộng chiến lược đã khiến giữa năng lực và mong muốn chiến lược của Mỹ xuất hiện khoảng cách, dẫn đến hiện tượng “lực bất tòng tâm” một cách rõ ràng.
Sau khi bẫy Ukraine hình thành, Mỹ phải tập trung gây sức ép với Nga xuất phát từ những cân nhắc trên các phương diện như lợi ích an ninh, trách nhiệm đạo nghĩa và uy tín bá quyền. Để đạt được điều này, chính quyền Biden đã phải phân bổ lại các nguồn lực chiến lược của mình, từ đó khiến khoảng cách giữa năng lực và mong muốn chiến lược của Mỹ ngày càng mở rộng.
Thứ ba, bẫy Ukraine tạo ra cục diện tiến thoái lưỡng nan cho chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Cách đây không lâu, trong Thông điệp liên bang, khá bất ngờ khi Biden không trực tiếp công kích Trung Quốc. Điều này khiến một số người cho rằng chỉ cần Trung Quốc đứng về phía Mỹ giống như sau sự kiện 11/9/2001, lịch sử khôi phục quan hệ Trung -Mỹ sẽ tái diễn.
Cách nghĩ này có vẻ chỉ mang tính ý kiến chủ quan. Xét cho cùng, trong cục diện thay đổi chưa từng có trong 100 năm qua, quan hệ Trung - Mỹ thậm chí là cục diện thế giới đã hoàn toàn khác với tình hình khi xảy ra sự kiện 11/9/2001.
Tuy nhiên, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine quả thực đã đặt Mỹ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Một mặt, Mỹ có thể lợi dụng sự đoàn kết chưa từng có của phương Tây để gia tăng sức ép với Trung Quốc; mặt khác, nếu gây sức ép quá lớn e rằng có thể đẩy Trung Quốc hoàn toàn nghiêng về phía Nga.
Rõ ràng Mỹ vẫn chưa tìm được điểm cân bằng trong thế tiến thoái lưỡng nan giữa muốn gây áp lực hiệu quả với Trung Quốc nhưng lại muốn tránh không để Trung Quốc và Nga liên minh hoàn toàn. Hơn nữa tình trạng cạnh tranh đảng phái trong chính trị nước Mỹ ngày càng gay gắt, thêm vào đó sắp diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, tất cả đều khiến cho Chính quyền Biden ngày càng khó đưa ra lựa chọn trong tình thế tiến thoái lưỡng nan này.
Thứ tư, “kẻ thù chung” của Mỹ và châu Âu hiện nay ở mức độ rất lớn là do tức giận và sợ hãi tạo ra và chưa giải quyết được xung đột lợi ích căn bản giữa Mỹ và châu Âu trong vấn đề Ukraine. Xét cho cùng, đối với châu Âu, Mỹ là bên tạo ra “cái bẫy Ukraine” khi thúc đẩy NATO mở rộng về phía Đông, nhưng châu Âu phải trả giá cho hành động này.
Cùng với sự xác định của tình hình và sự phục hồi có lý trí, các mối đe dọa an ninh liên tục và cái giá phải trả “trừng phạt” nặng nề chắc chắn sẽ làm nảy sinh xung đột lợi ích giữa châu Âu và Mỹ. Trên thực tế, mâu thuẫn giữa Mỹ với châu Âu đã bắt đầu xuất hiện.
Xét về xu hướng phát triển lâu dài, cùng với sự phát triển theo hướng đa cực của cục diện thế giới, các nước lớn như Đức, Pháp và châu Âu dưới sự lãnh đạo của hai nước này nếu muốn thoát khỏi tình thế khó khăn an ninh, tìm kiếm sự phát triển liên tục, thì theo đuổi tự chủ chiến lược là lựa chọn duy nhất.
Thứ năm, chiến tranh Nga - Ukraine đã làm giảm sự kỳ vọng và nhiệt tình của Ấn Độ đối với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mối quan tâm an ninh chính của Ấn Độ nằm ở Pakistan, Afghanistan, Trung Á, thậm chí là cả Trung Đông.
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, mối quan tâm về an ninh của Ấn Độ đối với khu vực này tăng lên, trong khi ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này lại giảm xuống. Về mặt đại dương, mối quan tâm về an ninh của Ấn Độ là ở Ấn Độ Dương, trong khi Mỹ lại chỉ muốn duy trì quyền bá chủ ở Tây Thái Bình Dương.
Cùng với mối quan tâm về lợi ích an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ ngày càng khác nhau, Ấn Độ đang tìm cách hợp tác thiết thực hơn với Nga trên các phương diện như địa chính trị, an ninh quốc gia và cung cấp năng lượng. Đồng thời, chiến tranh Nga - Ukraine đã khiến giá trị chiến lược của châu Âu đối với Mỹ tăng lên, trong khi giá trị chiến lược của Ấn Độ lại giảm xuống rõ rệt.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Ấn Độ luôn kiên quyết duy trì quan điểm trung lập “không liên kết”, đến mức Mỹ thậm chí còn đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ.
Thứ sáu, sự đáp trả của Nga đối với các nước lớn và lập trường từ chối can thiệp trực tiếp của Mỹ đã tác động sâu sắc và lâu dài đến các nước Đông Nam Á. Thêm vào đó, việc Trung Quốc không rơi vào cái bẫy Ukraine và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế Đông Nam Á đã làm cho lập trường không muốn chọn bên giữa Trung Quốc và Mỹ của các nước Đông Nam Á trở nên ngày càng kiên quyết hơn.
Rủi ro và thách thức
Tuy nhiên, trong cơ hội luôn tiềm ẩn những rủi ro và thách thức.
Thứ nhất, cuộc khủng hoảng Ukraine đã tạo ra hình ảnh tương phản rõ rệt giữa Trung Quốc và Nga trong các vấn đề quốc tế. Một mặt, việc Nga phát động chiến tranh với Ukraine đã cho thấy hình ảnh là “kẻ phá hoại” trong các vấn đề quốc tế.
Mặt khác, mặc dù Mỹ và phương Tây đang cố gắng hết sức để bôi nhọ Trung Quốc, nhưng Trung Quốc luôn dốc sức phát triển hòa bình, thực hiện chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy quản trị toàn cầu, thúc đẩy việc xây dựng “Vành đai và Con đường” và cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, những điều này đã xây dựng hình ảnh Trung Quốc là “người kiến thiết” trong các vấn đề quốc tế.
Hình ảnh quốc tế tương phản rõ rệt như vậy đã làm tăng rủi ro và tính phức tạp trong chính sách của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng Ukraine. Nếu không cẩn thận sẽ bị rơi vào bẫy.
Thứ hai, khó có thể thay đổi nhận thức của cả thế giới, đặc biệt là phương Tây khi coi “Trung Quốc với Nga là một nhà”. Trung Quốc và Nga không chỉ có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, mà Tổng thống Nga Vladimir Putin còn tham dự Thế vận hội mùa Đông và hai nước cùng nhau đưa ra tuyên bố chung dài trước khi chiến tranh xảy ra.
Điều có ý nghĩa chiến lược lớn hơn là dưới sức ép và trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc và Nga đã hình thành các lợi ích chung với cơ sở vững chắc là sự tương trợ lẫn nhau về an ninh và bổ sung về kinh tế. Nhưng mặt khác, để kiểm soát có hiệu quả cạnh tranh Trung - Mỹ do Mỹ gây ra và duy trì môi trường an ninh bên ngoài không thể thiếu cho sự phát triển liên tục của Trung Quốc, Trung Quốc phải duy trì quan hệ tốt đẹp và ổn định với tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu.
Trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đã hình thành mặt trận thống nhất chống Nga, làm thế nào để duy trì quan hệ đối ngoại ổn định mà không ảnh hưởng đến lợi ích cơ bản của mình là một thách thức vô cùng nghiêm trọng. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến sự thất bại.
Cuối cùng, có hai “thiên nga đen” tiềm ẩn trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Một là, do yếu tố thời gian gây ra. Một mặt, “thời kỳ hậu Putin” sớm muộn gì cũng đến, không loại trừ khả năng người kế nhiệm Putin đưa ra lựa chọn chiến lược hoàn toàn ngược lại.
Mặt khác, xét từ tình hình hiện tại, đảng Dân chủ do Biden lãnh đạo sẽ thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay, điều này không những khiến Biden sớm trở thành tổng thống “vịt què”, mà còn khiến việc ông tái cử vào năm 2024 trở nên rất khó khăn.
Một khi Nhà Trắng đổi chủ vào năm 2024, đặc biệt là những nhân vật giống như Trump đắc cử, giữa Mỹ và Nga rất có thể sẽ phát sinh “hiện tượng Nixon”.
Hai là, do sự thay đổi bất ngờ của tình hình gây ra. Xét từ tình hình hiện tại, bất luận Putin có thể đạt được các mục tiêu chiến lược của mình hay không, tình hình châu Âu đều đã có những thay đổi căn bản.
Nếu Nga giành chiến thắng, một nước Nga ngày càng tự tin và ngày càng an toàn hơn có thể nhiều khả năng mang tính ổn hòa hơn trong chính sách đối với Mỹ và châu Âu, trong khi Mỹ và châu Âu cũng có thể sẵn sàng cùng với Putin đưa ra một số thỏa thuận trên cơ sở chấp nhận thực tế để đạt được mục đích ổn định tình hình, Mỹ cũng có thể vì thế mà rút khỏi “cái bẫy Ukraine”. Nếu Nga thất bại, thì khả năng đạt được thỏa hiệp với phương Tây sẽ ngày càng lớn.
Lựa chọn và ứng phó
Khi cơ hội và thách thức cùng tồn tại, thì sự lựa chọn và ứng phó đúng đắn là chìa khóa để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức.
Cần phải thấy rằng các lực lượng chống Nga vẫn chưa thống trị thế giới. Ngoài các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia kiên quyết phản đối Nga, các khu vực chính trị quan trọng khác trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Á, Đông Nam Á, Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông đều duy trì quan điểm trung lập hoặc quan sát. Trong các biện pháp trừng phạt toàn diện chống lại Nga do Mỹ và châu Âu khởi xướng, phần lớn các nước này đều giữ quan điểm không tham gia hoặc có phản ứng tiêu cực.
Ngay cả phe chống Nga cũng không phải là thống nhất. Sự khác biệt giữa Mỹ và châu Âu là rất rõ ràng, điều này không chỉ vì châu Âu phải hứng chịu tổn thất nhiều hơn do các lệnh trừng phạt, mà quan trọng hơn là tồn tại sự khác biệt căn bản về lập trường và con đường tháo gỡ khó khăn giữa hai bên: Mỹ chủ trương tiếp tục đối đầu, vừa gây sức ép với Nga vừa kiểm soát châu Âu; châu Âu lại hy vọng thoát khỏi tình trạng khó khăn thông qua đàm phán và thỏa hiệp, duy trì hòa bình bằng các thỏa thuận thể chế hóa. Các lập trường khác nhau về cuộc khủng hoảng Ukraine trong cộng đồng quốc tế đã tạo không gian cho Trung Quốc lựa chọn và ứng phó.
Đồng thời, cũng phải xem sức mạnh và ưu thế của mình. Lý do cơ bản khiến Mỹ không ngừng gây sức ép với Trung Quốc, thậm chí sử dụng các biện pháp trừng phạt quy mô lớn để buộc Trung Quốc phải chọn bên, không chỉ vì thực lực của Trung Quốc, mà còn vì Trung Quốc có sức mạnh mẫu mực.
Nếu Trung Quốc đi theo Mỹ chống lại Nga, sẽ không chỉ làm gia tăng sức mạnh phe chống Nga, mà còn là sự ủng hộ rất lớn đối với “địa vị lãnh đạo” của Mỹ. Cũng chính vì vậy, trước khi tình hình vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, Trung Quốc vẫn phải duy trì định hướng, quyền lựa chọn và quyền chủ động.
Hơn nữa, thông qua việc không ngừng điều chỉnh, Trung Quốc đã hình thành một tập hợp các phương pháp ứng phó có trật tự. Thứ nhất, kiên trì các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, kiên trì nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ không thể xâm phạm. Lên án chiến tranh và kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hòa bình. Đây là lập trường mang tính cương lĩnh.
Thứ hai, nhấn mạnh rằng tâm lý Chiến tranh Lạnh và hành vi Chiến tranh Lạnh là nguyên nhân sâu xa gây ra cuộc khủng hoảng này. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO, với tư cách là một tổ chức an ninh quân sự, không biến mất như Hiệp ước Warsaw, mà tiếp tục mở rộng về phía Đông dưới sự dẫn dắt của tâm lý Chiến tranh Lạnh, đây là hành vi Chiến tranh Lạnh điển hình.
Một nước Nga bị dồn vào chân tường cuối cùng phản ứng bạo lực mạnh mẽ nhất. Vì vậy, cần phải từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và chấm dứt hành vi Chiến tranh Lạnh.
Thứ ba, tích cực ủng hộ và phối hợp đàm phán hòa bình với châu Âu (Đức, Pháp). Ủng hộ “mô hình Normandy”, đàm phán 4 bên giữa Pháp, Đức, Nga và Ukraine để giải quyết vấn đề.
Thứ tư, duy trì quan hệ bình thường tốt đẹp với Ukraine và tích cực cung cấp viện trợ nhân đạo cho nước này. Điều này không chỉ vì lợi ích của Trung Quốc và Ukraine, mà còn cho thế giới thấy lập trường trung lập của Trung Quốc trong chiến tranh Nga-Ukraine.
Mặc dù việc thực hiện những chính sách ứng phó này trong bối cảnh hiện nay là công bằng và hợp lý, nhưng về lâu dài, Trung Quốc nên nỗ lực trong các khía cạnh sau.
Trước hết, phải tận dụng triệt để tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Mỹ đang phải đối diện hiện nay trong chính sách Trung Quốc, tích cực đối thoại với Chính quyền Biden. Đặc biệt là về trao đổi kinh tế thương mại, duy trì ổn định tài chính, duy trì ổn định trong khu vực bao gồm cả Nam Hải (Biển Đông), dừng các lời nói và hành động mang tính thù địch. Trung Quốc nên đưa ra các yêu cầu đối với Mỹ, ngay cả khi không thể thay đổi cục diện cạnh tranh giữa hai nước, cũng phải cố gắng duy trì quan hệ Trung-Mỹ trên cơ sở có thể kiểm soát được.
Thứ hai, cần tăng cường đầu tư vào châu Âu, tích cực tăng cường giao lưu với châu Âu. Đối với Trung Quốc và Mỹ, chiến tranh Nga - Ukraine đã nâng cao giá trị chiến lược của châu Âu. Mặc dù hiện có vẻ như Mỹ và châu Âu có chung mối thù, nhưng những mâu thuẫn về lợi ích cơ bản giữa hai bên sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài.
Trung Quốc nên tích cực tìm kiếm hợp tác với EU và lạc quan khi thấy một châu Âu đoàn kết và thịnh vượng. Xét cho cùng, sự phát triển ổn định và lành mạnh của quan hệ Trung Quốc - EU có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với sự phát triển hòa bình của Trung Quốc và hòa bình, ổn định của toàn thế giới.
Thứ ba, xét về đại cục, cuộc khủng hoảng Ukraine giống như “tranh cướp” trong cờ vây. Người chơi cờ giỏi sẽ nắm bắt thời cơ khi đối thủ khó khăn để bố trí thế trận. Do sự tồn tại của bẫy Ukraine, mối quan tâm chiến lược của Mỹ ở Trung Á, Trung Đông, Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh sẽ suy giảm, điều này sẽ tạo không gian để Trung Quốc “bố trí”.
Cuối cùng, phải nắm bắt thời cơ để tích cực ổn định khu vực xung quanh. Như đã đề cập ở trên, chiến tranh Nga-Ukraine khiến Ấn Độ hạ thấp kỳ vọng vào Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời củng cố lập trường của các nước Đông Nam Á là không chọn phe giữa Trung Quốc với Mỹ.
Ngay cả lập trường của Nhật Bản cũng đã thay đổi tế nhị. Nhìn bề ngoài, Nhật Bản đang tích cực làm theo Mỹ “trừng phạt” Nga, thậm chí một số chính trị gia còn rêu rao rằng sẽ triển khai vũ khí hạt nhân ở Nhật Bản. Tuy nhiên, đây không phải là kết quả của một lập trường cứng rắn, mà xuất phát từ sự sợ hãi. Xét cho cùng, mối quan tâm lớn của Nhật Bản từ lâu nay là nước này không bao giờ trở thành là kẻ thù của cả Trung Quốc và Nga”.
Hơn nữa, Nhật Bản cũng có phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng của Nga. Chỉ cần Trung Quốc quan sát cẩn thận, chiến tranh Nga - Ukraine trên thực tế có thể là cơ hội để cải thiện quan hệ Trung - Nhật.
Tin nổi bật
Tin Video