Cô gái khiếm thính mở tiệm giặt là: 'Hy vọng trong tương lai người điếc sẽ tiếp cận được nhiều cơ hội việc làm'
(VOVTV) - Là một người khiếm thính, với mong muốn thay đổi cuộc sống của người điếc cũng như bản thân, chị Lương Thị Kiều Thúy đã sáng lập “Tiệm giặt là người Điếc”. Đây không chỉ là nơi kinh doanh mà còn giúp những người điếc và người khiếm thính có thêm sự tự tin, tôn trọng và bình đẳng trong xã hội.
Đặt tại số 7 đường Bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), "Tiệm giặt là người điếc" với quy mô hoạt động hơn 10m2 là không gian làm việc của 3 cô gái. Không chỉ là nơi kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người điếc và người khiếm thính, nơi đây còn giúp họ có thêm sự tự tin, sự tôn trọng và bình đẳng trong xã hội.
Nói về sự ra đời của tiệm giặt là đặc biệt này, chị Lương Thị Kiều Thúy (SN 1991) cho biết, cách đây khoảng 3 năm chị có học ngôn ngữ ký hiệu và gặp gỡ cộng đồng người điếc. Chị Thúy cũng tham gia thực hiện các dự án xã hội cho người điếc.
"Là người mất thính lực từ khi lên 10 tuổi, sau những hoạt động xã hội hướng tới người điếc, tôi cảm thấy cuộc sống vui vẻ và tích cực hơn rất nhiều. Bản thân tôi luôn nghĩ rằng khiếm thính không phải là một căn bệnh, đó là 'sự đặc biệt' trong 'sự khác biệt' của mình. Tôi muốn mọi người gọi tôi là người khiếm thính chứ không phải bị khiếm thính", chị Thúy chia sẻ.
Năm 2019, khi thực hiện dự án "Nghiên cứu thực trạng việc làm cho người điếc" cùng một nhóm bạn, chị Lương Thị Kiều Thúy nhận thấy vấn đề việc làm của người điếc thật sự khó khăn và chị mong muốn làm điều gì đó để thay đổi cuộc sống của người điếc, đồng thời thay đổi cuộc sống của bản thân mình.
"Ý tưởng kinh doanh này là một cơ duyên khi tôi được một người bạn khuyết tật giới thiệu. Thời điểm đó tôi quyết định làm công việc giặt là qua hai cơ sở từ bình dân cho đến cao cấp. Khi có kinh nghiệm, tôi bắt đầu hướng dẫn các bạn người điếc xem công việc này phù hợp hay không và cần cải thiện như thế nào", chị Thuý chia sẻ.
"Rất may mắn, ý tưởng của tôi nhận được nhiều đánh giá tích cực. Đến năm 2020, tôi gặp nhà đầu tư của Giặt ký và họ đã đầu tư cho chúng tôi số vốn là hơn 100 triệu để mở một cửa hàng như thế này".
"Tiệm giặt là người Điếc" được quản lý bởi chị Thúy và có hai nhân viên đều là người điếc bẩm sinh, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau. Chị Thúy sẽ hỗ trợ hai bạn trong công việc đồng thời bao quát để cửa hàng chỉn chu nhất có thể, khách hàng luôn vui vẻ, hài lòng khi nhận lại đồ.
"Mức lương mỗi bạn nhân viên ở đây khoảng 4 triệu/tháng, hiện nay mức doanh thu chưa đủ để thưởng cho các bạn. Trong tương lai chắc chắn tôi sẽ tìm cách để nâng cao mức thu nhập của các bạn để cuộc sống ổn định hơn", chị Thúy nói tiếp.
Quy mô tiệm giặt hiện nay khá cơ bản với 3 máy giặt, 2 máy sấy giày, 1 cây là hơi và 1 cầu là, nhưng chị Thúy cảm thấy khá hài lòng: "Công việc ban đầu đối với những người điếc, họ chưa va chạm bao giờ, nếu làm nâng cao, chuyên sâu sẽ rất khó và tạo áp lực cho các bạn ấy. Tôi muốn các bạn ấy làm từ đơn giản đến phức tạp. Tôi cũng đang xây dựng kế hoạch mở rộng cửa hàng, nâng cao cơ sở vật chất để đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng hơn nữa".
Là nhân viên ca sáng của "Tiệm giặt là người điếc", chị Phạm Thị Thúy (22 tuổi) cho biết rất vui vì hiện tại có được công việc phù hợp để ổn định cuộc sống.
"Việc giao tiếp của tôi với khách hàng sẽ thông qua một chiếc bảng, công việc cũng tùy lúc khó, lúc dễ. Có nhiều lúc khách hàng quên tiền, trang sức, giấy tờ trong đồ gửi giặt, tôi sẽ nhờ quản lý liên hệ lại với khách để họ tới lấy, họ rất vui khi nhận lại được đồ", chị Phạm Thị Thúy chia sẻ.
"Được gặp gỡ, chia sẻ với những người điếc, tôi nhận thấy rằng họ có nhiều điểm mạnh, nhanh nhẹn và khéo léo. Tôi hy vọng trong tương lai người điếc sẽ tiếp cận được nhiều cơ hội việc làm, không chỉ là nghề giặt là như thế này, họ sẽ có những cơ hội bình đẳng như người bình thường. Đồng thời chất lượng giáo dục cho người điếc được nâng cao hơn nữa. Cuộc sống của họ trong hôn nhân, gia đình cũng được tôn trọng hơn", chị Lương Thị Kiều Thúy tâm sự.