Đời sống

Cô gái bị nhiễm trùng, áp xe ngực sau tiêm filler lưu động

(VOVTV) - Bệnh viện Da Liễu TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp áp xe lớn ở vùng ngực sau tiêm chất làm đầy (filler) để làm tăng kích cỡ ngực tại một khách sạn.

Tác giả Kim Dung / VOV TP.HCM
09/08/2023 15:34

Bị áp xe, nhiễm trùng nặng, đặc biệt là ngực phải sưng to, đỏ, có mủ là tình trạng của bệnh nhân nữ 26 tuổi, ngụ quận Bình Tân khi đến khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám.

Bệnh nhân kể, trước đó 3 tuần, thấy quảng cáo dịch vụ tiêm filler ngực với những hình ảnh “bắt mắt” nên đã liên hệ. Sau khi thỏa thuận, 2 bên thống nhất địa điểm tiêm filler tại một khách ở TP.HCM. Sau tiêm, hai bên ngực bệnh nhân bị đỏ và đau. Bệnh nhân được trấn an là “dấu hiệu bình thường sau tiêm”.

Cô gái bị nhiễm trùng, áp xe ngực sau tiêm filler lưu động - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM phải phẫu thuật, nạo rửa nhiều lần để xử lý ổ mủ trong ngực cho bệnh nhân (Ảnh Bệnh viện Da liễu TP.HCM cung cấp)

Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện, vùng ngực bên phải sưng to, cương mủ, đỏ và đau nhức nhiều. Bệnh nhân tiếp tục được người tiêm hướng dẫn uống thuốc Zinnat, ngậm Alphachoay và dùng nước ấm lăn ngực. Tuy nhiên, tình trạng không đỡ mà ngày càng tệ hơn, ngực bên phải đỏ và có mủ nhiều hơn.

Tại khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, bác sĩ ghi nhận vùng ngực phải của bệnh nhân bị phù nề, hồng ban, có khối áp xe lớn, căng, sờ nóng, ấn đau. Vùng ngực trái cũng có khối kích thước tương tự, không nóng, đỏ. Kết quả siêu âm cho thấy hình ảnh chất làm đầy rải rác trong mô mềm, có ổ áp xe lớn. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú.

Vài ngày sau, khối áp xe tự vỡ, chảy nhiều mủ và chất làm đầy ra ngoài. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, kháng viêm. Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu hội chẩn và thực hiện phẫu thuật bơm, rửa, nạo để lấy chất làm đầy và mủ. Do chất làm đầy đã hòa tan với mô nên quá trình nạo, rửa phải xử lý nhiều lần.

Các bác sĩ cho biết, hậu quả để lại là trên ngực bệnh nhân sẽ có sẹo xấu, hình thể vú bị biến dạng, nguy cơ phát sinh ổ áp xe mới. Ngoài ra, ngực bên trái cũng nguy cơ nhiễm trùng và xuất hiện ổ áp xe.

Ths.BS Thảo Hiền – Khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, filler là một chất làm đầy được sử dụng trong ngành thẩm mỹ, có tác dụng làm đầy các vùng trên cơ thể, giảm nhăn, trẻ hóa da. Tuy nhiên, hiện Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ chấp thuận cho tiêm filler ở vùng mặt, cổ và tay. Các trường hợp tiêm filler khác (còn gọi là filler body) đều không được FDA chấp thuận trong đó có vùng ngực. Ngoài ra, kỹ thuật tiêm không đúng, môi trường và quá trình tiêm không được vô trùng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai biến nhiễm trùng, áp xe trên.

Ý kiến của bạn