Tin tức

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy hợp tác, kiểm soát bất đồng

(VOVTV) - Nhận lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF từ ngày 25-28/6/2023.

Tác giả Bích Thuận/VOV Bắc Kinh
24/06/2023 21:57

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam trước chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai khẳng định, chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác, kiểm soát bất đồng, đưa quan hệ Việt - Trung ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất; chuyển tải thông điệp về định hướng phát triển của Việt Nam; nâng cao vai trò, tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu và thu hút các nguồn lực bên ngoài giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển. 

Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh, đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Trung Quốc trong 7 năm qua, là sự tiếp nối các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thời gian qua. "Trong bối cảnh tình hình quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội để Lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm triển khai toàn diện kết quả và nhận thức chung đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nỗ lực thúc đẩy các lĩnh vực và hợp tác cùng có lợi, kiểm soát tốt các bất đồng, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất."

Đại sứ kỳ vọng chuyến thăm lần này sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy chính trị, củng cố và định hướng cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ hai nước; xác định các biện pháp nhằm triển khai toàn diện nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo xung lực cho việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, du lịch và khoa học công nghệ…, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng sẽ trao đổi các biện pháp nhằm kiểm soát tốt bất đồng, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên biển, tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, góp phần tích cực vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới.

Về Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Thiên Tân, Đại sứ cho biết, đây là Hội nghị do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức, có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị của diễn đàn tại Davos. Chương trình nghị sự của hội nghị năm nay tập trung thảo luận các lĩnh vực mới, trong đó đề cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi, nhiều tiềm năng. Với chủ đề "Tinh thần kinh doanh: Động lực của kinh tế toàn cầu", Hội nghị gồm hơn 100 phiên họp, tập trung vào 6 nội dung chính gồm điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng và nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch, Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu và ứng dụng đổi mới sáng tạo.

Tại Diễn đàn Davos mùa Hè tại Thiên Tân, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại Phiên toàn thể "Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh" và Phiên ăn trưa làm việc của các lãnh đạo về "Ngăn ngừa một thập kỷ mất mát". Đây đều là các phiên thảo luận trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị, nhận được sự quan tâm của các nước, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Nhân dịp tham dự Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ cùng lãnh đạo WEF đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF, tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc và có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước và các tập đoàn dự Hội nghị.

Đại sứ Phạm Sao Mai khẳng định, với vai trò là đối tác tin cậy, thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tích cực đóng góp, phối hợp với các đối tác quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu nhằm duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới. "Sự tham gia của đoàn Việt Nam cùng các nước, tổ chức và tập đoàn hàng đầu thế giới sẽ góp phần đề xuất các giải pháp ở các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và doanh nghiệp, nhấn mạnh vai trò của tư nhân và hợp tác công-tư, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như phát triển xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… Khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, trong đó có Việt Nam thời gian qua đã tích cực đổi mới mở cửa, duy trì đà tăng trưởng ổn định, trở thành động lực quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực và thế giới, đồng thời giữ vai trò là trung tâm liên kết thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu."

Đại sứ cũng cho biết, thông qua Hội nghị lần này, Việt Nam sẽ quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển tải thông điệp lớn về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam; nắm bắt những vấn đề, xu thế mới của kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển và quản trị ở tầm toàn cầu, khu vực và quốc gia trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển đổi sâu sắc, qua đó nâng cao vai trò, tiếng nói của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - WEF ngày càng hiệu quả, thực chất; tăng cường hợp tác với các tập đoàn toàn cầu và khu vực, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc, nhằm tiếp tục củng cố môi trường quốc tế thuận lợi, thu hút các nguồn lực bên ngoài, giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và chuyển đổi mô hình tăng trưởng./.

Ý kiến của bạn