Chuyện những phóng viên “thường trú bản làng”
(VOVTV) - Làm công việc đưa tin, viết bài đều đặn, nhưng hoạt động tác nghiệp của anh chị em phóng viên các Đài truyền thanh – truyền hình huyện (nay là Trung tâm Truyền thông - Văn hóa các huyện) lại không được coi là hoạt động báo chí thực thụ. Thế nhưng, những phóng viên ấy vẫn nỗ lực đưa thông tin từ cơ sở một cách nhanh nhạy, kịp thời.
Hơn 13 năm làm phóng viên của Đài truyền thanh - Truyền hình huyện Mù Cang Chải (nay là Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện), Giàng A Lù với bút danh A Lù đã cần mẫn sản xuất hàng ra nghìn tin, bài có chất lượng phục vụ các chương trình phát thanh của đơn vị cũng như cộng tác với Đài PTTH Yên Bái, Báo Yên Bái và các cơ quan báo chí Trung ương. Những con đèo, những đỉnh núi, những bản làng mờ tít chân mây đều in dấu chân nhiệt thành của nam phóng viên người dân tộc Mông này.
Tin bài của A Lù viết với phong cách mộc mạc, dễ hiểu, thường hướng về những tấm gương hết lòng vì bà con vùng dân tộc thiểu số như: bác sỹ, giáo viên, cán bộ dân vận, những người làm công tác khuyến nông cơ sở... Bám trụ địa bàn, rất nhiều đề tài được A Lù khai thác, nhưng với anh, có lẽ những loạt tin bài về bão lũ, sạt lở đất ở vùng cao là những điều anh luôn trăn trở nhất. A Lù chia sẻ, kỷ niệm nhớ nhất với anh là vào năm 2012, khi xảy ra vụ sập hầm mỏ trên xã La Pán Tẩn làm chết nhiều người. Vào xã tác nghiệp từ sớm, đến tận chiều tối không ăn gì vẫn vội vàng trở ra huyện để thực hiện tin bài; trên đường ra thì đất đá từ trên sạt xuống ầm ầm. Đang vác máy chạy thì thấy các dân quân di chuyển thi thể các nạn nhân ra, anh liền nhanh chóng dừng lại soi đèn hỗ trợ mọi người, quên cả sợ hãi...
Theo A Lù, khi đưa tin về mưa lũ, sạt lở bất ngờ, anh không chỉ là phóng viên của huyện, mà còn là cộng tác viên của rất nhiều cơ quan báo chí của tỉnh, của Trung ương. Báo nào cũng muốn có tin nhanh nhất, chi tiết nhất, điện thoại cứ đổ chuông liên tục khiến Lù quay cuồng, nhiều khi quên cả ăn uống.
“Thiếu thốn về trang thiết bị tác nghiệp, việc đi lại, nhất là vào mùa mưa rất khó khăn. Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng bản thân tôi luôn cố gắng đưa, truyền tải những thông tin liên quan đến thiên tai, bão lũ một cách kịp thời nhất”, A Lù nói.
Cũng có hơn 13 năm tác nghiệp tại vùng cao Trạm Tấu, Lộc Chầm - phóng viên Trung tâm truyền thông và Văn hóa huyện được biết đến là người nhớ tên từng bản làng, từng địa danh tiếng Mông khó đọc. Anh chia sẻ, kỷ niệm nhớ nhất là vào năm 2011, khi huyện Trạm Tấu thực hiện chủ trương vận động người Mông đưa người chết vào quan tài, triển khai phóng sự "Những đám ma lạ" anh và đồng nghiệp mất đến gần 7 ngày để quay hầu hết các nghi thức trong quá trình tổ chức tang lễ. Phóng sự sau đó không chỉ được anh, chị, em đồng nghiệp đánh giá cao, mà còn có tác động sâu sắc, góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào vùng cao trong việc cưới, việc tang.
Cần mẫn và chăm chỉ sáng tạo trong từng tác phẩm, Lộc Chầm luôn có duyên trong các giải báo chí của tỉnh, của Đài PTTH Yên Bái và Báo Yên Bái. Đó đều là những tác phẩm mang đậm hơi thở vùng cao như: Thờ ơ với thuốc độc, Trả nợ rừng, Giải oan lá ngón…
Chia sẻ về những kinh nghiệp tác nghiệp, Lộc Chầm nói: “Để kịp thời thông tin đến thính giả, độc giả những sự kiện nóng, nhất là những thông tin về thiên tai thì chúng tôi phải tận dụng mọi khả năng có thể. Nhiều sự kiện sau khi ghi chép được ở cơ sở mà chưa kịp về đến cơ quan thì chúng tôi phải đọc qua điện thoại cho các anh, chị biên tập trước để kịp thời thông tin. Bản thân tôi luôn tự nhủ là đã theo nghề thì phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Từ khi các Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện trở thành Trung tâm Văn hóa và Truyền thông, ngoài nhiệm vụ làm tin, bài, anh chị em phóng viên còn phải tham gia rất nhiều công việc ở các mảng văn hóa, văn nghệ, truyền thông… Nỗ lực đẩy nhanh các nhiệm vụ khác được phân công, các phóng viên luôn chủ động lên nhanh kế hoạch khi có sự kiện; sẵn sàng tư trang, máy móc xuống địa bàn làm tin bài, thực hiện đam mê số 1 của mình.
Phóng viên Mỹ Vân, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Văn Yên cho biết: “Tôi cũng như những nữ phóng viên khác của trung tâm đang có con nhỏ, thế nhưng, khi nhận được lệnh “đi ngay" thì chúng tôi đều sẵn sàng lên đường”.
Mỗi phóng viên Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện thường phải kiêm nhiều vai: vừa là phóng viên, vừa là quay phim, vừa là biên tập viên, phát thanh viên… Một lúc thực hiện nhiều công việc song điều kiện tác nghiệp của các anh, chị vẫn rất khó khăn. Không phải là hội viên Hội nhà báo, không thuộc đối tượng cấp thẻ nhà báo, thậm chí đi tác nghiệp không được cấp giấy giới thiệu, nên nhiều khi họ không tiếp cận được nhân vật và nguồn tin. Nhiều người trước học trung cấp, cao đẳng, nay có bằng đại học từ nhiều năm nhưng chưa được chuyển ngạch, chế độ nhuận bút cũng không đảm bảo…
Tuy nhiên, đó chỉ là những trăn trở sau giờ tác nghiệp, còn lúc thực hiện công việc thì ai cũng tràn nhiệt huyết và đam mê. Từ đó sản xuất, cung cấp hàng ngàn tin, bài có giá trị mỗi năm, không chỉ đáp ứng yêu cầu công tác mà còn là những cộng tác viên chuyên nghiệp, có tâm của rất nhiều cơ quan báo chí lớn.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái chia sẻ: “Mỗi năm, các cộng tác viên là phóng viên ở các huyện chuyển về cho chúng tôi rất nhiều tin bài có giá trị, trong đó có những nguồn tin mà chỉ có những người lăn lộn, sống cùng cơ sở, ăn, nằm tại bản làng hàng ngày, hàng giờ mới có được. Đây không chỉ là những tin tức sống, dùng để đăng, phát ngay mà còn là nguồn tư liệu để triển khai sâu các loạt bài của đơn vị”.
Mang "hơi thở" và cuộc sống của bản làng tới mọi miền đất nước, đây là trách nhiệm, là vinh dự và sự tự hào với mỗi phóng viên ở cơ sở. Hơn thế, niềm vui nhất với họ là vẫn được bà con và các đồng nghiệp gọi với cái tên trìu mến “phóng viên thường trú bản làng”.
Tin nổi bật
Tin Video