Kinh doanh

Chuyển giao mô hình công viên sáng tạo của Thụy Sĩ về Việt Nam

(VOVTV) - Tại Hà Nội, lễ ký kết chiến lược chuyển giao mô hình công viên sáng tạo giữa Thụy Sĩ và Đại học Bách khoa Hà Nội vừa diễn ra nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất công nghiệp và nghiên cứu.

Tác giả PV / VOVTV
18/03/2023 14:29

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc hệ thống BK Holdings trực thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội, đồng thời là Chủ tịch của Hiệp hội Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Hà Nội chia sẻ đã cùng với TP.Hà Nội tìm kiếm những mô hình Đổi mới sáng tạo thành công tại quốc tế để áp dụng vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Trong chuyến đi kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Thụy Sĩ do Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ Thụy Sĩ (Swiss EP) tổ chức năm 2022, ông Dũng đã kết nối với Thomas Gfeller – Chủ tịch và đồng sáng lập của SIPBB để trao đổi về các khả năng phối hợp nâng tầm các Công viên sáng tạo tại Việt Nam, đặc biệt tại Thủ đô.

photo-1679296495530

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc hệ thống BK Holdings, đồng thời là Chủ tịch của Hiệp hội Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Hà Nội.

Chia sẻ về vai trò của Swiss EP và các chuyên gia tại Việt Nam, ông Hub Langstaff – Giám đốc SwissEP Việt Nam cho biết, trong số 7 thị trường SwissEP đang hoạt động, Việt Nam hiện là thị trường tiềm năng nhất.

SwissEP hy vọng có thể gia tăng thời gian hoạt động tại Việt Nam trong 4 năm tiếp theo để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng (build capacity) sau 7 năm hoạt động và 4 năm nữa.

Sau thời gian hoạt động từ năm 2015, bắt đầu với các chương trình hỗ trợ nâng cao tinh thần khởi nghiệp (entrepreneur) và dần tập trung vào đổi mới sáng tạo (innovation), SwissEP nhận định đây là thời điểm hoàn hảo để kết nối sau hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam và Thụy Sĩ.

Do đó SwissEP đã tổ chức chuyến công tác kết nối giữa 2 bên và là nơi BK Holdings đã gặp gỡ với SIPBB. Ông Hub nhấn mạnh SwissEP rất tự hào với vai trò khiêm tốn là nhân tố kết nối BK Holdings và SIPBB, nhưng việc đi đến thỏa thuận hợp tác mang mô hình Công viên Sáng tạo Thụy Sĩ về Việt Nam là một nỗ lực rất đáng khen của 2 đơn vị.

photo-1679296497823

Ông Hub Langstaff (đang đứng) – Giám đốc SwissEP Việt Nam.

Sinh ra tại thành phố Biel/Bienne của Thụy Sĩ, đất nước với những thương hiệu nổi tiếng đi vào lịch sử như Rolex với những sản phẩm và dây chuyền sản xuất mang độ chính xác cao, SIPBB mang sứ mệnh giúp các doanh nghiệp thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất công nghiệp và nghiên cứu công nghệ mới.

Xây dựng và quản lý một nền tảng dành cho các đối tác từ ngành công nghiệp và các nhà khoa học đến để thụ thai, thử nghiệm và trình diễn các giải pháp công nghệ mới.

photo-1679296501090

Ông Thomas Gfeller – Chủ tịch và đồng sáng lập Công viên Sáng tạo Biel/Bienne Thụy Sĩ

Chia sẻ từ phía SIPBB, ông Thomas Gfeller – Chủ tịch và đồng sáng lập cho biết, BK Holdings rất có tiềm lực về tầm nhìn, khả năng và con người, và là đối tác hoàn hảo cho SIPBB.

Hiện SIPBB đang tập trung vào ngành vi cơ học và robot (micro mechanics and robotics) để đi xa hơn về độ chính xác, sáng tạo, và quy trình sản xuất.

SIPBB có văn phòng kết hợp với cơ sở nghiên cứu rộng 15000m2, được ví như 1 cỗ máy cung cấp công nghệ để làm sân chơi cho các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu khoa học, đại học làm việc, kết nối và thỏa sức sáng tạo.

Trong đó cơ sở nghiên cứu đang triển khai những giải pháp kết hợp giữa sản xuất thông minh (smart manufacturing) công nghệ sạch (Clean Technology).

Cụ thể, sự kết hợp này được áp dụng vào việc xây dựng một phương án xử lý điện pin xe hơi sau sử dụng, giúp quy trình xử lý hiệu quả hơn, nhanh hơn, và thân thiện hơn với môi trường, đảm bảo theo tiêu chuẩn pin điện Châu Âu. Đây cũng là một trong những cơ hội SIPBB trao đổi với BK Holdings trong chiến lược xây dựng Công viên Đổi mới sáng tạo tại Hà Nội.

Với chiến lược xây dựng Công viên Đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, ông Thomas Gfeller chia sẻ về 2 cơ hội lớn để áp dụng, đó là:

1. Xây dựng một địa điểm tương tự như văn phòng/cơ quan nghiên cứu của SIPBB tại Thụy Sĩ để làm sân chơi cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp công nghệ, nhà nghiên cứu kết nối, nâng cao chất lượng các dây chuyền sản xuất. Ông chia sẻ cơ hội này là rất lớn, do các Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cũng liên tục mong muốn cải thiện quy trình sản xuất sản phẩm của mình.

2. Việt Nam nên đầu tư vào công nghệ pin công nghiệp. Xe điện (EV) sẽ đóng một vai trò lớn cho nền kinh tế tương lai, và Việt Nam đã có những khoản đầu tư quốc tế khuyến khích phát triển thị trường này. Do vậy, Việt Nam có thể áp dụng những mô hình tại Biel để nghiên cứu về công nghệ pin, hay sản xuất những trạm sạc xe điện tại nhà .

Ý kiến của bạn