Chuyên gia: Sống chung với Covid-19 không phải là 'thả cửa'
Theo các chuyên gia, hiện không có cách nào để loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 khỏi cộng đồng, do vậy “5K+Vaccine” vẫn là giải pháp tối ưu để trở lại cuộc sống “bình thường mới”.
Việt Nam đang chứng kiến đợt dịch COVID-19 thứ tư với diễn biến phức tạp và nguy hiểm hơn các đợt dịch trước. Với sự xuất hiện của biến thể virus Delta, nhiều nước trên thế giới cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng cao, trong khi đó, đang có thêm những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là Mu và Eta.
Đánh giá diễn biến dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới, giới chuyên gia y tế cho rằng, việc loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cộng đồng là điều không thể. Do vậy, kiểm soát tốt dịch bệnh để sống chung là giải pháp mà các quốc gia trên thế giới lựa chọn để thích ứng với tình hình mới. Theo đó, COVID-19 sẽ được coi như một loại bệnh đặc hữu như cúm mùa và mục tiêu duy nhất là giảm số người tử vong do bệnh này.
“Chung sống với virus, phải hiểu theo nghĩa khác chứ không phải có thái độ là “thả cửa” hoàn toàn hay “đóng chặt cửa”. Chúng ta đưa ra phân vùng và có các biện pháp giãn cách xã hội hợp lý theo từng vùng để mở cửa sản xuất và phát triển kinh tế và có thể giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho người dân” - Đây là ý kiến của TS.BS.TTƯT Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).
TS.BS.TTƯT Nguyễn Đăng Mạnh cũng đồng tình khi cho rằng, trong thời điểm hiện tại rất khó có thể bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng và chưa thể tạo ra miễn dịch cộng đồng từ việc tiêm vaccine. Do vậy, việc tuân thủ 5K và cần nâng cao thể trạng để phòng tránh bệnh tốt nhất, nâng cao hiệu quả chống dịch để đưa cuộc sống trở về bình thường mới.
Theo đó, ông cho rằng, thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, tuy nhiên, không thể giãn cách mãi được mà phải làm có trọng tâm, trọng điểm hơn. Tức là, với vùng đỏ, cần quyết liệt để nhanh chóng tìm ra F0, đưa đi cách ly, điều trị để vùng đỏ nhanh chóng trở về vùng xanh. Thứ hai, xét nghiệm phải làm kỹ và nhanh hơn, để ngay lập tức khoanh vùng F0.
“Thứ ba, loại bỏ virus khỏi cơ thể bằng cách súc họng, rửa mũi, rửa tay hằng ngày. Virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào đường hô hấp trên và nó phải có thời gian mới phát triển để bám dính, cư trú, sinh sôi nảy nở trên vùng mũi, hầu họng sau đó phát tán vào phổi, rồi đến các cơ quan khác. Do vậy, việc quan trọng là không cho con virus bám vào đường hô hấp bằng cách súc họng, rửa mũi hằng ngày tiêu diệt virus”, BS Mạnh lưu ý.
Theo thống kê, 80% người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Nhưng có khoảng 20% mắc bệnh nặng và tiến triển rất nhanh dẫn đến tử vong do. Vì vậy, việc nâng cao đào tạo năng lực điều trị ngay từ tuyến cơ sở là rất quan trọng, giúp giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong không đáng có.
BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, từ kinh nghiệm ứng phó dịch tại Bình Dương, TP.HCM và một số tỉnh thành khác cho thấy, việc chủ động bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế từ cấp cơ sở là rất quan trọng. Theo đó, phải chuẩn bị kế hoạch chuyển đổi công năng, làm sao tất cả các bệnh viện công và tư nhân đều điều trị được COVID-19.
BS Hồng Hà cũng nhấn mạnh về việc nâng cao năng lực y tế ở tuyến cơ sở, phải xây dựng sẵn sàng hệ thống oxy cho thật tốt: “Phải xác định bệnh viện tuyến huyện càng nhiều đầu giường có bình oxy thì việc chăm sóc tốt cho bệnh nhân COVID-19. Hiện nay ở nước ta, số lượng y tế chuyên ngành hồi sức rất thấp. Chưa kể cơ sở hạ tầng rất yếu. Tôi lấy ví dụ, ở các nước phát triển, các giường bệnh họ đều có oxy, trong khi ở Việt Nam, các giường bệnh rất ít giường có hệ thống oxy. Vì vậy, theo tôi, điều quan trọng thời điểm này, đặc biệt tuyến y tế cơ sở phải đầu tư trang thiết bị, cũng như đào tạo chuyên môn để chuẩn bị thật tốt cho việc điều trị COVID-19”.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của vaccine để tạo được miễn dịch cộng đồng. Tùy thuộc vào từng biến chủng khác khau, nếu chủng lây lan ít thì miễn dịch cộng đồng chỉ cần đạt 60-70%, còn với chủng lây lan mạnh thì tỷ lệ tiêm chủng phải đạt 80-85%.
Hiện nay, thế giới chủ yếu tiêm chủng COVID-19 cho lứa tuổi trên 18 trở lên và vẫn còn khoảng 30% là trẻ em chưa được tiếp cận với vaccine. Do vậy, để đạt được miễn dịch cộng đồng thì các nhà khoa học cũng cần nghiên cứu tiếp tục để hạ độ tuổi tiêm phòng xuống.
Tại cuộc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất, để có trạng thái bình thường mới, cần tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế; đảm bảo hệ thống điều trị có đầy đủ thuốc, oxy, các trang thiết bị cần thiết để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân COVID-19, giảm tối đa tỷ lệ tử vong.
Vì vậy, các chuyên gia đề xuất tăng cường mọi hướng tiếp cận nguồn cũng vaccine, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước để có vaccine sớm nhất. Các chuyên gia đặc biệt lưu ý, cần đẩy nhanh việc xem xét triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.
Đồng thời, những loại thuốc điều trị COVID-19 cần phải được cập nhật và đưa vào điều trị sớm, kết hợp với các phương thuốc đông y để tăng cường thể trạng, sức khỏe người bệnh.
Tin nổi bật
Tin Video