Chuyển đổi số tại Vietcombank Bình Định
(VOVTV) - Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, Vietcombank luôn coi việc số hóa, phát triển mô hình ngân hàng số là chiến lược trọng tâm, không đơn thuần chỉ là những dự án công nghệ.
Sơ lược chuyển đổi số của Vietcombank
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, Vietcombank luôn coi việc số hóa, phát triển mô hình ngân hàng số là chiến lược trọng tâm, không đơn thuần chỉ là những dự án công nghệ. Việc chuyển đổi số từ sớm, đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ và bắt trúng nhu cầu của khách hàng giúp ngân hàng có lợi thế lớn trên thị trường.
Xác định công nghệ và số hóa là những yếu tố then chốt, quyết định việc duy trì năng lực cạnh tranh, ngay từ năm 2001, Vietcombank đã triển khai phiên bản Internet Banking đầu tiên cho cá nhân và hệ thống VCB-Money cho khách hàng tổ chức.
Với nền tảng ứng dụng và hạ tầng cho chuyển đổi số được đầu tư từ nhiều năm trước, Vietcombank chuyển đổi phương thức hoạt động đáp ứng với bối cảnh kinh doanh mới nhanh chóng, hiệu quả. Cùng với chiến lược số hóa, từ 2020, Vietcombank thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số, trung tâm ngân hàng số.
Một trong những bước chuyển mình đầu tiên là đưa vào vận hành thành công hệ thống ngân hàng lõi mới (Core Banking Signature) áp dụng từ đầu năm 2020. Hệ thống mở ra khả năng xử lý đa dịch vụ với cơ sở dữ liệu tập trung, tốc độ xử lý giao dịch nhanh và theo thời gian thực 24/7. Công nghệ này giúp ngân hàng dễ dàng phát triển sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, quản lý nội bộ hiệu quả và quản trị tốt hơn các rủi ro về thị trường, tín dụng, thanh khoản hay rủi ro tác nghiệp.
Không chỉ quan tâm phát triển hệ thống xử lý giao dịch nghiệp vụ, Vietcombank còn chú trọng phát triển các kênh tương tác mới đem đến những trải nghiệm số hiện đại, đáp ứng xu thế của thế hệ khách hàng mới trẻ tuổi yêu công nghệ, cũng như phù hợp với tình hình kinh doanh trong thời kỳ dịch bệnh.
Song song với việc phát triển sản phẩm, các yếu tố bảo mật, an toàn khi giao dịch trên nền tảng số cũng được chú trọng. VCB Digibank ra mắt hồi tháng 7/2020, là nền tảng số dành cho khách hàng cá nhân trên cơ sở hợp nhất 2 hệ thống ngân hàng điện tử của Vietcombank là Internet Banking và Mobile Banking.
Nhờ hàng loạt công nghệ xác thực đăng nhập và giao dịch hiện đại như nhận diện khuôn mặt, cảm biến vân tay, Push Authentication với nhiều lớp tăng cường bảo mật và tùy chỉnh, SmartOTP tích hợp, nền tảng này cung cấp trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên các phương tiện điện tử như máy tính và thiết bị di động với quy mô hàng triệu giao dịch một ngày.
Trong 10 năm qua, Vietcombank mở rộng đầu tư nâng cấp, đổi mới và phát triển hạ tầng công nghệ thông qua việc dành ngân sách đầu tư đủ lớn hàng năm và tăng cường nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đảm bảo tính ổn định và sẵn sàng của hệ thống. Vietcombank còn xây dựng được một hệ thống hạ tầng công nghệ bảo mật, hoạt động ổn định và đồng nhất, luôn kết nối thông suốt với trang thiết bị và giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Ở giai đoạn này, Vietcombank tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ hơn 50 dự án chuyển đổi nâng cao năng lực quản trị điều hành hướng tới chuẩn mực quốc tế, giúp cải tiến mạnh mẽ chất lượng dịch vụ, sản phẩm, phát triển các kênh phân phối, quản trị rủi ro hiệu quả như Basel II, Core Banking, CTOM, ERP, RTOM...
Những đổi mới, sáng tạo liên tục trong công cuộc chuyển đổi số giúp mang đến nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại cho khách hàng trên nền tảng ngân hàng số. Đơn cử tháng 11/2021, Vietcombank ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB DigiBiz dành cho khách hàng doanh nghiệp SME. Bộ giải pháp này có mô hình lập và duyệt lệnh đơn giản, linh hoạt cùng với việc sử dụng 2 phương thức xác thực Smart OTP (xác thực thông qua ứng dụng trên điện thoại - tích hợp ngay trên ứng dụng VCB DigiBiz) và Hard Token (thiết bị vật lý).
Vietcombank cũng phát triển thành công hệ thống thanh toán và quản lý dòng tiền VCB CashUp, đáp ứng tốt nhu cầu quản lý đa tầng, đa phương, phục vụ tổng thể cho cả hệ sinh thái của doanh nghiệp...
Đến nay, Vietcombank đứng đầu về quy mô khách hàng trên kênh số với gần 10 triệu khách thường xuyên giao dịch; 98% giao dịch được thực hiện trên các kênh số. Trung bình mỗi ngày xử lý hơn 4 triệu giao dịch với giá trị gần 34.000 tỷ đồng mỗi ngày.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng triển khai công cụ tương tác trực tiếp qua trợ lý ảo VCB Digibot giúp chăm sóc khách hàng trên kênh website và fanpage. Thay vì phải đến các điểm giao dịch hoặc gọi đến tổng đài viên, người sử dụng có thể chat trực tuyến với trợ lý ảo bằng tiếng Việt để được hỗ trợ tư vấn, cung cấp thông tin, giải đáp các vướng mắc khi sử dụng sản phẩm dịch vụ.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó tổng giám đốc Vietcombank, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo với chatbot nằm trong chiến lược phát triển ngân hàng số, mở ra kênh giao tiếp hiện đại, đáp ứng 24/7 nhu cầu của khách hàng, góp phần tự động hóa, giúp gia tăng chất lượng trải nghiệm cũng như tăng hiệu ứng tương tác.
Những nỗ lực không ngừng của Vietcombank trong hành trình số hóa đã đem lại quả ngọt cho ngân hàng thể hiện qua những giải thưởng danh giá mà các tổ chức uy tín trong và ngoài nước công nhận. Có thể điểm qua một số Giải thưởng tiêu biểu như: Giải thưởng Ứng dụng ngân hàng di động tốt nhất Việt Nam năm 2020 do Tạp chí tài chính uy tín hàng đầu châu Á The Asian Banker bình chọn; Giải thưởng Sao Khuê tháng 4/2021 dành cho ứng dụng VCB Digibank trong lĩnh vực kế toán tài chính; tháng 12/2021, ứng dụng Ngân hàng số VCB Digibank của Vietcombank tiếp tục vinh dự nhận Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2021 dành cho hạng mục sản phẩm - Giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức; tháng 4/2022, VCB DigiBiz nhận giải thưởng Sao Khuê do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao tặng.
Gần đây nhất vào tháng 03/2022, The Asian Banker đã trao tặng Vietcombank giải thưởng Dịch vụ Ngân hàng số tốt nhất Việt Nam.
Có thể nói, việc tiên phong triển khai chuyển đổi số không chỉ góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu hàng đầu của Vietcombank mà còn minh chứng cho những cam kết mạnh mẽ của ngân hàng trong việc phát triển, cải tiến sản phẩm những năm qua, từ đó tạo dựng được niềm tin của khách hàng và công chúng.
Thực tiễn chuyển đổi số tại Vietcombank Bình Định
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) của Đại hội Đảng XIII đã khẳng định: Phát triển chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là bước đi tất yếu, là bệ phóng quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Trên tinh thần đó, cùng với Đề án Chiến lược phát triển Ngân hàng Ngoại thương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 "Ngân hàng số là xu hướng không thể đảo ngược và là tương lai của ngân hàng", trong giai đoạn hiện nay, Ban lãnh đạo Vietcombank Bình Định đã triển khai nhiều kế hoạch hành động về phát triển ngân hàng số. Cùng với đó, cán bộ, nhân viên Vietcombank Bình Định chủ động giới thiệu và hướng dẫn khách hàng sử dụng các nền tảng số của Vietcombank, gia tăng các tiện ích dành cho khách hàng. Ngoài ra, cán bộ, nhân viên Vietcombank Bình Định được tập huấn, cập nhật những công nghệ mới trong quá trình làm việc, qua đó nâng cao hiệu suất làm việc, tối ưu thời gian xử lý giao dịch cho khách hàng.
Với những nỗ lực, Vietcombank Bình Định tự tin đạt được các mục tiêu của ngân hàng số trên địa bàn tỉnh Bình Định bao gồm: số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ số lớn nhất; tỷ lệ giao dịch trên kênh số lớn nhất; đứng đầu về hiệu quả vận hành; nền tảng hạ tầng số hiện đại nhất.
Tin nổi bật
Tin Video