Chuỗi nhà thuốc Pharmacity tự ý bán thuốc theo đơn: Do buông lỏng quản lý hay vì lợi nhuận?
(VOVTV) - Hàng loạt nhà thuốc trong chuỗi Pharmacity đang ngang nhiên bán thuốc điều trị, kháng sinh… cho khách hàng mà không cần đơn thuốc. Điều này là trái quy định cho phép, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Dược sĩ tại các cửa hàng thuốc Pharmacity bán thuốc không đơn?
Hệ thống nhà thuốc Pharmacity thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity (địa chỉ tại 248A Nơ Trang Long, Phường 12, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh). Đơn vị này đang là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất cả nước với 469 cửa hàng, có mặt tại nhiều tỉnh thành lớn nhỏ phủ rộng khắp cả nước. Không chỉ phát triển hệ thống cửa hàng, chuỗi nhà thuốc Pharmacity của Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity còn mở rộng quảng bá các sản phẩm đang bày bán tại nhà thuốc trên nhiều kênh thông tin đại chúng như Facebook, Youtube, Website.
Vậy nhưng, Pharmacity lại đang có dấu hiệu vi phạm khi "bán thuốc kê đơn không cần đơn thuốc" tại hàng loạt cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Cụ thể, loại Amlodipin 5mg là thuốc được kê đơn trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp. Khi sử dụng quá liều Amlodipin sẽ có tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đánh trống ngực, chuột rút… nặng hơn là khiến cơ thể bị nhiễm độc nặng nề, gây suy tuần hoàn nặng và nguy cơ tử vong cao.
Không khó để có thể mua được loại thuốc này khi tới các nhà thuốc Pharmacity tại nhiều địa chỉ như: 202 - 204 Hoàng Hoa Thám (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ), số 52 Trần Bình (tổ 23, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), số 35 Hàng Giầy (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) và số 70E Thụy Khuê (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) trong khoảng thời gian từ 15/12 – 24/12/2021.
Hay như Hapenxin 500mg - loại kháng sinh chỉ bán theo đơn của bác sĩ, nhân viên tại hàng loạt chi nhánh của Pharmacity ở 41A Lý Quốc Sư (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm), số 267 Lạc Long Quân (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), số 10 Hàng Da (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm), số 53 Trần Quốc Hoàn (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy), số 2 Trần Quý Kiên (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy).
Stadovas 5mg cũng là thuốc điều trị tăng huyết áp, đau thắt ngực chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng khi khách hàng không có đơn thuốc tới nhà thuốc của Pharmacity ở các địa chỉ 193 Nguyễn Ngọc Vũ (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), Số 16 (Lô 1C Khu đô thị Trung Yên, phường Trung Hòa), số 298 - 300 Đội Cấn (quận Ba Đình), số 21 Lãn Ông (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm).
Trong suốt quá trình ghi nhận thực tế, PV không phải trình bất cứ đơn thuốc nào để mua những loại thuốc trên, mặc dù trên mỗi vỏ hộp thuốc đều ghi rất rõ "thuốc bán theo đơn", nhân viên tại các cửa hàng thuốc của Pharmacity cũng "vô tư" bán hàng.
Đã có tiền lệ xấu xảy ra
Theo thông tin tìm hiểu, vào thời điểm cuối năm 2020 Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn (Hà Nội) tiếp nhận một nam thanh niên (25 tuổi ở quận Hoàng Mai) nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng. Trước đó khoảng năm ngày, bệnh nhân bị sốt, nhiễm khuẩn, viêm phế quản. Do ngại đến bệnh viện nên bệnh nhân tự đi mua thuốc về uống.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh càng nặng hơn, kèm theo khó thở, đau ngực, bệnh nhân mới nhập viện. Liên quan đến vấn đề này, khi đó Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào – Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp BV Thanh Nhàn cũng cung cấp thông tin cho báo chí về việc lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa đã giảm gần một nửa so cùng kỳ năm ngoái. "Dù viêm phế quản là bệnh đơn giản, nhưng nếu tự ý sử dụng kháng sinh không phù hợp, điều trị bằng truyền dịch tại nhà là rất nguy hiểm. Đặc biệt, với người có sẵn bệnh nền mà tự sử dụng thuốc không đúng dễ gây suy hô hấp, dẫn đến suy đa tạng và tử vong", bác sĩ Đào cho hay.
Nhằm nâng cao hiệu quả trong việc quản lý, xiết chặt hành vi bán thuốc kê đơn, Nghị định 117/2020/NĐ-CP đã quy định hình thức xử lý rất nặng đối với các đơn vị bán thuốc vi phạm.
Cụ thể, theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 59, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử lý về việc: "Bán vaccine hoặc bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc", hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng. Điểm đ khoản 8 Điều 59 cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung với hành vi trên là: "Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng".
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 7.196 cơ sở cung ứng thuốc đang hoạt động, trong đó có 1.129 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, 3.592 nhà thuốc và 2.475 quầy thuốc. Thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các nhà thuốc, nhằm kiểm soát việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn.
Quy định và xử phạt đã rõ, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà hàng loạt các cửa hàng thuốc Pharmacity thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity vẫn ngang nhiên bán "thuốc kê đơn" mà không cần đơn thuốc. Dù là một thương hiệu có tên tuổi, số lượng cửa hàng trải rộng phủ khắp các thành phố lớn và nhiều tỉnh thành khác nhau trên cả nước nhưng việc bất tuân thủ quy định pháp luật là một điều khó có thể chấp nhận.
Người bệnh trước khi sử dụng thuốc, kháng sinh,…nên thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín, có hướng dẫn và đơn thuốc của bác sĩ tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân.
VOVTV sẽ tiếp tục thông tin!
Tin nổi bật
Tin Video