Chứng khoán Việt Nam vượt lên vùng đỉnh giá năm 2018
(VOVTV) - Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch sôi động, đầy thăng hoa. Thanh khoản thị trường liên tiếp những phiên tỷ USD. Giới phân tích cho rằng, VN-Index đã vượt lên vùng đỉnh giá năm 2018, tương ứng 1.200 điểm - 1.211 điểm.
Số lượng tài khoản mở mới liên tiếp tăng
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 150.407 tài khoản chứng khoán trong tháng 7, tăng gần 5.000 tài khoản mở mới so với tháng trước.
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 7 cao nhất trong vòng 11 tháng kể từ tháng 8 năm ngoái. Đây cũng là tháng tăng thứ 3 liên tiếp về lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư.
Như vậy, đến cuối tháng 7, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,4 triệu tài khoản, tương đương hơn 7,4% dân số.
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh và dòng tiền "đổ" vào thị trường chứng khoán đạt tới cả tỷ USD mỗi phiên.
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong tuần qua (từ 31/7-4/8) thanh khoản trên HOSE đạt 114.136 tỷ đồng, tăng 11,2%. Thanh khoản lập kỷ lục trung bình mới với gần 23.000 tỷ đồng/phiên ở HOSE thể hiện dòng tiền vẫn đang duy trì hoạt động mạnh trong thị trường và tập trung nhiều ở nhóm mã vốn hóa lớn, nhóm bất động sản. Thanh khoản HNX cũng tăng 7,2%, với 9.886,94 tỷ đồng được giao dịch.
VN-INDEX kết tuần với mức 1.225,98 điểm, tăng 1,60% so với tuần trước, duy trì tuần thứ 5 liên tiếp tăng điểm từ vùng giá 1.120 - 1.125 điểm, khi xu hướng tăng trung và dài hạn đang hình thành.
VN30-Index tăng 1,56% lên mức 1.231,62 điểm và HNX-INDEX tăng 2,05% so với tuần trước lên mức 242,41 điểm.
SHS cho biết, thị trường đón nhận nhiều số liệu kinh tế của tháng 7 như: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước. Bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,65%. Chỉ số PMI của ngành sản xuất Việt Nam đã tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7, so với mức 46,2 điểm của tháng 6.
Bên cạnh đó, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến trong ngày 3/8/2023 về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ Về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó là thông tin Bộ Giao thông Vận tải đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số và trợ giá trực tiếp cho người mua xe ô tô điện.
Các số liệu vĩ mô tháng 7 cho thấy, hoạt động kinh tế đang có một số dấu hiệu cải thiện như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, vốn FDI, kim ngạch xuất nhập khẩu, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn.
Các ngân hàng trung ương tại Mỹ, châu Âu, Anh vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng lãi suất khi lạm phát vẫn còn dai dẳng và cao hơn mục tiêu.
Tuần vừa qua, hãng xếp hạng Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do quan ngại về tình trạng nợ công. Điểm tích cực là tăng trưởng kinh tế thế giới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng lên trong báo cáo gần đây, lãi suất của Việt Nam đang có xu hướng giảm và thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản có dấu hiệu cải thiện.
"Nhìn chung, thị trường chứng khoán thường sẽ có những phản ứng sớm hơn thực tế vĩ mô và việc thị trường chuyển trạng thái sang vận động tích cực là có thể hiểu được", SHS nhận định.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục có diễn biến nổi bật nhất, với nhiều mã thu hút dòng tiền. Theo đó, VIC tăng 20,78%, QCG tăng 12,60%, TCH tăng 10,68%, NBB tăng 8,78%, NVL tăng 7,90%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến rất tích cực, với SGB tăng 34,48%, EIB tăng 16,38%, ACB tăng 9,91%, LPB tăng 5,83%, SHB tăng 5,56%...
Các nhóm ngành khác cũng đều có diễn biến khá tích cực và VN-Index một lần nữa vượt lên vùng đỉnh giá năm 2018, tương ứng 1.200 điểm -1.211 điểm, mở ra kỳ vọng xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán, SHS cho biết.
Theo SHS, thị trường trong ngắn hạn đang hình thành nền tích lũy mới và đã có các phiên điều chỉnh tuy nhiên nhịp điều chỉnh có thể vẫn chưa kết thúc. Trong trung và dài hạn, thị trường đã hình thành uptrend (giai đoạn giá chứng khoán có xu hướng tăng) và mục tiêu VN-Index hướng tới sẽ là khu vực 1.300 điểm.
Nhìn nhận về diễn biến thị trường tuần qua, chuyên gia phân tích Phạm Bình Phương từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, nhóm cổ phiếu Vingroup là đầu kéo chính cho VN-Index trong tuần qua, sau các thông tin như VinFast có thể niêm yết lên sàn Nasdaq trong quý III/2023; kết quả kinh doanh khả quan của VHM. VIC và VHM đã giúp VN-Index tăng lần lượt 10,5 điểm và 4,6 điểm.
Nhóm Ngân hàng cũng chiếm 5 vị trí trong top 10 với các đại diện BID, ACB, CTG, EIB và SHB, tổng cộng đã giúp VN-Index tăng 8,2 điểm.
Chiều giảm điểm, VCB đã điều chỉnh 3,1% trong tuần làm chỉ số giảm 4,2 điểm và là cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong tuần.
Khối ngoại trong tuần đã mua ròng nhẹ hơn 60 tỷ đồng trên 2 sàn, dẫn đầu là MSB và DCM với giá trị mua ròng lần lượt 589 tỷ đồng và 224 tỷ đồng. Chiều bán ròng, HPG bị khối này bán ra hơn 414 tỷ đồng là trở thành cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất.
Tuần qua những thông tin tích cực từ nhóm Vingroup đã giúp nhóm này tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến chỉ số. Đến cuối tuần thị trường tiếp tục xuất hiện các thông tin hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu bất động sản, theo đó có lẽ nỗi lo về nợ xấu cũng giảm bớt. Hai nhóm cổ phiếu Bất động sản và Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ cho chỉ số.
Ông Nguyễn Huy Phương, chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, với mức tăng được giữ khá tốt vào cuối phiên giao dịch cuối tuần (4/8), bất chấp hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục), dòng tiền có thể tiếp tục hoạt động tích cực vào đầu tuần tới và giúp thị trường trở lại vùng 1.230 – 1.235 điểm.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua tăng mạnh, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đầy biến động
Tuần giao dịch tồi tệ của S&P 500 và Nasdaq Composite
Phiên cuối tuần (4/8), xu hướng bán tháo chốt lời sau khi nhà đầu tư nhận được các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý II/2023 đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ đánh mất đà tăng ở đầu phiên để đảo chiều đi xuống.
Kết thúc phiên này, chỉ số S&P 500 giảm 0,53% xuống 4.478,03 điểm, chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,36% xuống 13.909,24 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 0,43% còn 35.065,62 điểm.
Khép lại tuần này, chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 lần lượt giảm 2,9% và 2,3%, ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023. Trong khi đó, Dow Jones mất 1,1% trong tuần này. CBOE (VIX), chỉ số đo lường trạng thái biến động của chứng khoán, đã tăng lên trên mức 16 tại Phố Wall.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm từ mức cao nhất trong nhiều tháng xuống còn 4,04%. Xu hướng gia tăng của lợi suất trái phiếu trong những phiên gần đây đã gây áp lực lên các tài sản rủi ro.
Cùng ngày, dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này trong tháng Bảy đã tạo ra thêm 187.000 việc làm, thấp hơn so với dự báo tăng 200.000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 3,6% xuống 3,5%.
Các nhà giao dịch trên Phố Wall đang chờ đợi những tác động của báo cáo việc làm đối với chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo FedWatch của CME Group, khoảng 88% nhà giao dịch dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng Chín tới
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán biến động trái chiều trong phiên chiều 4/8 kết thúc một tuần đầy biến động, các nhà giao dịch vẫn lo ngại về kế hoạch lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,1% lên 32.192,75 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,6% lên 19.539,46 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) cũng tăng 0,2% lên 3.288,08 điểm. Thị trường chứng khoán Sydney, Wellington, Mumbai và Bangkok cũng tăng điểm. Tuy nhiên, các thị trường Singapore, Seoul, Manila, Jakarta và Đài Bắc lại đi xuống./.