Chứng khoán Việt Nam 8/6: Thanh khoản thị trường chứng khoán trở lại mốc tỷ USD
(VOVTV) - Chốt phiên giao dịch ngày 8/6, VN-Index giảm 8,22 điểm xuống 1.101,32 điểm. Khối lượng giao dịch đạt tới hơn 1,32 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 23.689 tỷ đồng. Toàn sàn có hơn 139 mã tăng giá, 269 mã giảm giá và 38 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 3,55 điểm xuống 226,78 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 155 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 2.650 tỷ đồng. Toàn sàn có 87 mã tăng giá, 116 mã giảm giá và 48 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,54 điểm xuống 84,02 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 85,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 974 tỷ đồng. Toàn sàn có 153 mã tăng giá, 151 mã giảm giá và 68 mã đứng giá.
Như vậy, tính chung toàn thị trường, mức thanh khoản đạt hơn 26.436 tỷ đồng, tương ứng hơn 1 tỷ USD, tính theo tỷ giá hiện tại. Trước đó, mức thanh khoản tỷ USD thường xuyên diễn ra vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Lý giải về việc thanh khoản tăng cao, giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh lãi suất giảm, dòng tiền trong nước đang dần quay trở lại thị trường chứng khoán.
Theo chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), ông Đinh Quang Hinh, dựa trên tình hình lạm phát trong nước hạ nhiệt và tỷ giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành kể từ ngày 25/5/2023 như lãi suất tái cấp vốn (giảm 0,5 điểm %), trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tới dưới 6 tháng (giảm 0,5 điểm %)...
Kể từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm 1 điểm phần trăm xuống 3,5%/năm, lãi suất tái cấp vốn giảm 1 điểm phần trăm xuống 5%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với một số hoạt động kinh tế giảm 1 điểm % xuống 5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng và từ 1 tháng tới dưới 6 tháng lần lượt 0,5 điểm phần trăm và 1 điểm phần trăm xuống mức 0,5%/năm và 5%/năm.
Các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất huy động trong tháng 5/2023. Kể từ đầu tháng 5/2023, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của nhóm ngân hàng tư nhân giảm mạnh lần lượt là 57 điểm cơ bản và 29 điểm cơ bản; trong khi lãi suất bình quân cùng kỳ hạn của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm lần lượt 80 điểm cơ bản và 40 điểm cơ bản.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,5%/năm trong năm nay, dựa trên các lý do: Nhu cầu tín dụng yếu do tăng trưởng kinh tế chậm và thị trường bất động sản chưa khởi sắc; Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành”, ông Đinh Quang Hinh nhận định.
Không chỉ nhà đầu tư cũ tăng giải ngân, thị trường chứng khoán còn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới. Theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới tháng 5 đạt 104.966 tài khoản, cao gấp gần 5 lần tháng liền trước. Đây cũng là tháng có số tài khoản chứng khoán mở mới cao nhất trong vòng 9 tháng (tính từ tháng 8/2022).
Trở lại diễn biến thị trường, khối ngoại hôm nay bán ròng khá mạnh với 312,66 tỷ đồng trên HOSE và hơn 11 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 46,74 tỷ đồng trên HNX. Khối ngoại bán ròng 221,2 tỷ đồng mã VNM. Đây cũng là mã bị bán ròng mạnh nhất sàn chứng khoán hôm nay. Tiếp đến, GEX bị bán ròng hơn 70,2 tỷ đồng.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu diễn biến tiêu cực trong phiên hôm nay. Rổ cổ phiếu VN30 chỉ có 6 mã tăng giá, trong khi có tới 23 mã giảm giá. Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng chỉ còn 2 mã tăng giá, 1 mã may mắn đứng ở tham chiếu, 24 mã ngân hàng còn lại chìm trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chỉ còn mỗi PTV tăng giá, trong khi BSR, PLX, POS, PVB, PVC, PVD, PVS giảm giá. Sắc đỏ còn lan rộng tại nhóm chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản...
Ở chiều tích cực, đáng chú ý có nhóm cổ phiếu thủy sản. Theo đó, các mã thủy sản như ACL, VNH tăng kịch trần. Các mã như: VHC, ICF, CMX, ANV, ABT đều ở chiều giá xanh.
Tin nổi bật
Tin Video