Kinh doanh

Chứng khoán Việt Nam 7/6: Ngược dòng bứt phá, VN-Index tăng điểm sau phiên ATC

(VOVTV) - Dù mở cửa phiên sáng trong tình thế không mấy suôn sẻ khi hàng loạt mã chìm trong sắc đỏ, thậm chí đỉnh điểm lúc 11h, VN-Index để mất tới gần 29 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư có phần lo ngại, cục diện thay đổi hoàn toàn trong phiên chiều khi chỉ số dần phục hồi. Đặc biệt là sau phiên ATC, VN-Index vẫn cố gắng gượng thêm đôi chút để lấy lại sắc xanh.

Tác giả Xuân Sang / VOVTV
07/06/2022 17:35

Ngân hàng và Chứng khoán là những nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực điển hình trong ngày hôm nay. Ngân hàng có tới 21 mã giảm giá trong khi chỉ có VCB, CTG, TCB giữ được màu xanh với mức tăng không đáng kể. Tương tự, chứng khoán cũng chỉ có 5 mã tăng giá so với 27 mã giảm. Đáng chú ý, SBS của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín tăng kịch trần với mức 14,85% do được niêm yết trên sàn UPCOM.

Chịu chung cảnh ngộ là nhóm Bất động sản. BII, CIG, DRH, DXG, FLC, HU1, SGR đồng loạt nằm sàn, cùng với sự sụt giảm của các mã lớn như VHM, VIC, NVL, DIG… Vì là một trong số các nhóm ngành có trọng số lớn nên sự suy giảm của những nhóm này có tác động rất đáng kể đến thị trường chung.

Chứng khoán Việt Nam 7/6: Ngược dòng bứt phá, VN-Index tăng điểm sau phiên ATC - Ảnh 1.

Thép, Nhựa, Xây dựng, Phân bón... cũng gây thất vọng với sắc đỏ bao trùm. Trong bối cảnh đó, vẫn có một vài điểm sáng hút tiền giúp nhà đầu tư nuôi hy vọng lội ngược dòng điển hình như POW, cổ phiếu duy nhất tăng trần trong nhóm VN30. Hiệu ứng tích cực cũng được lan tỏa sang một số cổ phiếu ngành điện khác như REE, PC1, NT2, GEG, PPC...

Nhóm thủy sản cũng ngược dòng với VHC, MPC, IDI, FMC, ACL, ANV... đồng loạt tăng mạnh, thậm chí CMX còn tăng hết biên độ. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sắc xanh cũng phủ rộng trên hầu hết các cổ phiếu dệt may như GIL, TCM, MSH, STK, VGT, thậm chí TNG còn trần tím lịm. Nhóm cổ phiếu phòng thủ quen thuộc là bảo hiểm. BVH, PVI, BIC, VNR... đều tăng mạnh trong khi BMI, MIG, PGI còn đảo chiều từ vùng giá đỏ lên tăng kịch biên độ.

Tương tự, cổ phiếu dầu khí cũng có một phiên ngược dòng ngoạn mục với điểm tựa từ giá dầu không ngừng leo thang. BSR châm ngòi cho cuộc nổi dậy khi gần như vẫn giữ được sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch sau đó chính thức vượt đỉnh lịch sử. PLX, PVD, PVS, PVT, PVB, PVC... cũng đồng loạt hưởng ứng và đảo chiều tăng mạnh.

Kết phiên, VN-Index tăng 1,34 điểm ( 0,1%) lên 1.291,35 điểm; HNX-Index giảm 2,66 điểm (-0,87%) xuống 304,15 điểm và UpCOM-Index cũng giảm 0,21 điểm (-0,22%) xuống 93,69 điểm. Thanh khoản được cải thiện đáng kể với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt gần 22.860 tỷ đồng (~1 tỷ USD).

Khối ngoại có một phiên mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 240 tỷ đồng. Riêng trên HoSE giá trị mua ròng đã đạt gần 160 tỷ đồng trong đó lực mua chủ yếu trên chứng chỉ quỹ FUEVFVND (315 tỷ đồng).

Ý kiến của bạn