Chứng khoán Việt Nam 7/10: Nhiều nhóm cổ phiếu đua nhau giảm sàn, VN-Index giảm gần 39 điểm
(VOVTV) - Phiên 7/10, thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến tiêu cực khi hàng loạt nhóm cổ phiếu giảm hết biên độ.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 38,61 điểm xuống 1.035,91 điểm. Toàn sàn có 440 mã giảm, trong khi chỉ có 52 mã tăng và 31 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 9,04 điểm còn 226,09 điểm. Toàn sàn có 184 mã giảm, 32 mã tăng và 23 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,43 điểm về 79,98 điểm. Toàn sàn có 282 mã giảm, 92 mã tăng và 65 mã đứng giá.
Thanh khoản toàn thị trường đạt 18.561,4 tỷ đồng. Khối ngoại trở lại mua ròng trên toàn thị trường với 251,42 tỷ đồng trên HOSE, 9,1 tỷ đồng trên HNX và 9,99 tỷ đồng trên UPCOM.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều chìm trong sắc đỏ, thậm chí giảm hết biên độ. Đơn cử nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn EIB và SGB tăng giá, VAB và KLB may mắn đứng ở tham chiếu. Tất cả 23 mã còn lại đều giảm sâu; trong đó, STB, TCB, TPB, VPB, LPB, MSB, LPB và CTG giảm sàn.
Nhóm cổ phiếu hóa chất cũng đua nhau giảm hết biên độ. Cụ thể, BFC, CSV, DCM, DOC, DPR, GVR, HSI, NHH, PCE, PHR... giảm kịch sàn. Các nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, xây dựng và vật liệu... giảm rất mạnh với nhiều mã giảm hết biên độ. Tại nhóm cổ phiếu VN30 có 26 mã giảm giá mạnh, trong khi chỉ có 4 mã tăng giá.
Có lẽ nhóm cổ phiếu ngành dầu khí là nhóm có diễn biến tích cực hơn khi vẫn có nhiều mã tăng giá. Cụ thể, PVB, PVC, PVD, PVS, PVE có mức tăng từ 2% - 6,1%.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, số liệu vĩ mô 9 tháng năm 2022 của Việt Nam được công bố khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ đến từ nền so sánh thấp do giãn cách xã hội kéo dài, tuy nhiên khả năng mối quan tâm của nhà đầu tư sẽ dần dịch chuyển sang yếu tố tăng trưởng kết quả kinh doanh quý III khi kỳ công bố chính thức báo cáo tài chính quý đang đến rất gần.
Mặc dù vậy, số liệu cũng cho thấy tăng trưởng có thể đạt đỉnh trong quý III này và áp lực sẽ tăng dần trong thời gian tới.
Vì vậy, SSI duy trì góc nhìn thận trọng đối với diễn biến dòng tiền vào thị trường chứng khoáncũng như xu hướng vận động chung của thị trường, ít nhất cho tới cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 11.
Bên cạnh rủi ro đến từ bên ngoài, nhân tố nội tại có tác động không tích cực đến tâm lý thị trường ngày càng xuất hiện rõ ràng hơn, như tăng trường chậm lại hay Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định môi trường tỷ giá.
Trong khi đó, yếu tố tích cực đến từ việc định giá thị trường hiện đang ở mức thấp có thể giúp dòng tiền chủ động giải ngân. Định giá P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) hiện tại của VNIndex đang ở mức 11,7 lần vào ngày 3/10 đang dần tiệm cận mức đáy 10,35 lần vào ngày 24/3/2020, trong khi đó P/E ước tính năm 2022 cho chỉ số hiện ở mức 10,2 lần. Với yếu tố tích cực này, SSI kỳ vọng hoạt động giải ngân ở mức thăm dò có thể diễn ra./.
Tin nổi bật
Tin Video