Chứng khoán Việt Nam 22/7: Dòng tiền yếu, VN-Index lại rời mốc 1.200 điểm
(VOVTV) - Chỉ số VN-Index đã nhiều lần bứt phá, vượt thoát mốc 1.200 điểm, nhưng lại không giữ được cho đến cuối phiên. Thanh khoản thị trường thấp dù nhiều nhóm ngành báo cáo kết quả kinh doanh tích cực, cùng với kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn rất tích cực, cho thấy giới đầu tư vẫn còn nhiều “e ngại”.
Chốt phiên giao dịch phiên ngày 22/7, VN-Index giảm 3,71 điểm xuống 1.194,76 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 478 triệu đơn vị, tương ứng gần 10.869 tỷ đồng. Toàn sàn có 182 mã tăng giá, 279 mã giảm giá và 66 mã đứng giá.
HNX- Index tăng 0,74 điểm lên 288,83 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 63,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.221,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 83 mã tăng giá, 106 mã giảm giá và 58 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,28 điểm xuống 88,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 62,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 802,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 196 mã tăng giá, 145 mã giảm giá và 89 mã đứng giá.
Khối ngoại phiên hôm nay mua ròng hơn 412 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 377,72 tỷ đồng trên HOSE và 1,55 tỷ đồng trên HNX. Khối ngoại cũng mua ròng 33,65 tỷ đồng trên UPCOM.
Các mã được mua ròng mạnh đó là MWG với hơn 105,5 tỷ đồng, GAS được mua ròng gần 73 tỷ đồng, MSN được mua ròng hơn 52 tỷ đồng. Việc khối ngoại mua ròng mạnh 3 cổ phiếu này cũng là nguyên nhân giúp các mã tăng giá. Đáng chú ý, GAS tăng tới 3,6%, MSN tăng 2,8%.
Dù vậy, các mã cổ phiếu đầu ngành như VIC khi bất ngờ giảm 2,9% xuống 66,500 đồng/cổ phiếu, BID giảm 2,74%, còn CTG giảm 2,18%, HPG mất 2,2% là nguyên nhân lớn nhất khiến VN-Index quay đầu giảm điểm vào cuối phiên giao dịch.
Sắc đỏ lan rộng trong nhóm cổ phiếu trụ cột với 22 mã giảm giá và chỉ có 7 mã tăng giá, 1 mã đứng ở tham chiếu. Cùng đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng ngập trong sắc đỏ tạo áp lực giảm điểm lên thị trường chung.
Cổ phiếu doanh nghiệp chứng khoán đua nhau giảm giá. Thực tế, nhóm cổ phiếu doanh nghiệp chứng khoán phản ứng rất mạnh với diễn biến thị trường chung. Trong bối cảnh thị trường chung đang gặp khó khăn, thanh khoản và điểm số đều giảm thì kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp chứng khoán cũng đi xuống so với cùng kỳ năm ngoái.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, bảo hiểm, hóa chất, xây dựng và vật liệu... diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), dù thế giới có nhiều diễn biến bất ổn về chính trị cũng như kinh tế, nhưng trong quý I/2022, VN-Index vẫn duy trì giao dịch ở vùng điểm cao quanh 1.400-1.500 điểm và tạo đỉnh ở 1.530 điểm vào đầu tháng 4 trước khi bắt đầu bước vào chu kỳ giảm điểm mạnh.
VN-Index diễn biến đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới, chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong quý II/2022, lui về vùng 1.170 điểm. Nhìn chung, tình hình lạm phát cùng những thông tin tiêu cực đã khiến cho tâm lý nhà đầu tƣ trở nên bi quan hơn và việc thanh khoản sụt giảm đã thể hiện xu hướng dòng tiền dần rút ra khỏi thị trường.
Đi cùng xu hướng của VN-Index, HNX- Index cũng đạt đỉnh vào đầu tháng 4 và sau đó bước vào chu kỳ điều chỉnh với thanh khoản sụt giảm.
VCBS, cho rằng những điểm chính của bức tranh kinh tế Việt Nam trong phần còn lại của năm 2022 sẽ là đà phục hồi tăng trưởng như đã thấy trong nửa đầu năm tiếp tục được củng cố, nhưng với mức lạm phát cao hơn.
Lãi suất vẫn chịu áp lực điều chỉnh tăng, đặc biệt là lãi suất huy động, nhưng sẽ chỉ về lại mức gần tương đương với giai đoạn trước dịch COVID-19. Mặt bằng lãi suất nhìn chung vẫn được giữ ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào của hệ thống liên ngân hàng.
Theo đó, VCBS tiếp tục không thay đổi dự báo đã đưa ra từ đầu năm về VN-Index, cụ thể là mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số có thể lên đến 1.580 điểm, tương đương tăng khoảng 6% so với mức đỉnh của năm 2021.
Tuy nhiên, VCBS có điều chỉnh dự báo về thanh khoản thị trường. Theo đó, khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2022 được dự báo giảm, đạt bình quân khoảng 800-820 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng với mức giảm khoảng 18-20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên cả năm 2022 cũng được kỳ vọng giảm khoảng 15% so với năm 2021, tương ứng đạt khoảng 22.000 - 23.000 tỷ đồng một phiên trên cả ba sàn.
Tin nổi bật
Tin Video