Kinh doanh

Chứng khoán Việt Nam 17/10: Cổ phiếu dầu khí ngược dòng tăng mạnh

(VOVTV) - Sau 3 phiên tăng liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu ngay khi mở cửa phiên giao dịch tuần mới (17/10). Dù đến phiên chiều, nhiều cổ phiếu hồi phục tích cực, nhưng do các cổ phiếu vốn hóa lớn hàng đầu thị trường giảm sâu khiến chỉ số VN-Index không đủ sức đảo đảo chiều tăng điểm.

17/10/2022 16:22

Sau phiên sáng giảm sâu, phiên chiều nhiều cổ phiếu chuyển từ đỏ sang xanh giúp chỉ số hồi phục đáng kể. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu có mức tăng tích cực. Theo đó, PVD tăng tới 7% lên giá trần. Các mã BSR, POS, PVB, PVC, PVS có mức tăng từ 1,5 - 5,7%. Cùng đó, cổ phiếu ngành phân bón có mức tăng mạnh.

Phiên sáng 17/10, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 85 xu Mỹ, tương đương 0,9%, lên 92,48 USD/thùng, phục hồi từ mức giảm 6,4% vào tuần trước.

Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong giao dịch sáng 17/10, khi đồng USD đi xuống  giữa lúc các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc để đánh giá nhu cầu của nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

Chứng khoán Việt Nam 17/10: Cổ phiếu dầu khí ngược dòng tăng mạnh - Ảnh 1.

Sáng phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 0,9% lên 92,48 USD/thùng, phục hồi từ mức giảm 6,4% vào tuần trước. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ cũng tăng 0,9% lên 86,34 USD/thùng, sau khi giảm 7,6% trong tuần trước.

Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết, dầu nhận được sự hỗ trợ từ  nhiều yếu tố; trong đó có những bình luận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc đảm bảo các chính sách thích ứng cho nền kinh tế, một dấu hiệu tích cực cho triển vọng của nhu cầu dầu mỏ.

Bà Teng nói thêm: “Chỉ số đồng USD giảm trong hôm nay, tạo cơ hội phục hồi cho thị trường dầu mỏ. Đồng USD yếu hơn làm dầu bớt đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác”.

Trở lại diễn biến thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn diễn biến tiêu cực với sắc đỏ chiếm ưu thế. Các mã như: HDB giảm 2,9%, VCB giảm 2,6%, TCB giảm 2,3%, MBB giảm 1,7%, VPB giảm 1,2%... đã gây áp lực lớn lên chỉ số VN-Index. Ở chiều tăng giá, đáng chú ý, trên

UPCOM, cổ phiếu PGB tăng 9,9%, trên HOSE, cổ phiếu SHB tăng 4,5% và STB tăng 2,8%... Tuy nhiên, đây không phải là những ngân hàng có mức vốn hóa hàng đầu nên không đủ lực để kéo VN-Index qua mốc tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Cụ thể, ở chiều tăng giá có HCM, SSI, FTS, VCI, VIX... Trong khi ở chiều giảm giá có SHS, VDS, PSI, PHS, MBS, CTS...; trong đó, PHS giảm sàn.

Cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân hàng đầu kéo giảm chỉ số VN30 trong phiên hôm nay; trong đó đáng chú ý, cổ phiếu họ Vingroup giảm rất sâu. Cụ thể, VIC giảm tới 6,2%, VHM giảm 4,6%, VRE giảm 1,2%.  Cùng đó, các cổ phiếu đầu ngành khác như: KDH giảm 3,4%, PLX giảm 2,4%, SAB giảm 1,8%, MWG giảm 1,7%, NVL giảm 1,3%, HPG giảm 1%...

Điểm tích cực là khối ngoại mua ròng trên toàn thị trường. Cụ thể, khối ngoại mua ròng 235,76 tỷ đồng trên HOSE, gần 59 tỷ đồng trên HNX và 5,55 tỷ đồng trên UPCOM.

Chốt phiên giao dịch ngày 17/10, VN-Index giảm 10,27 điểm xuống 1.051,58 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 497,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 9.550 tỷ đồng. Toàn sàn có 165 mã tăng giá, 291 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 1,43 điểm xuống 226,46 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 48,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 949 tỷ đồng. Toàn sàn có 75 mã tăng giá, 90 mã giảm giá và 59 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,15 điểm xuống 80,01 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 26,9 tỷ đồng. Toàn sàn có 126 mã tăng giá, 115 mã giảm giá và 68 mã đứng giá.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đánh giá tâm lý của nhà đầu tư đã phần nào ổn định trở lại sau những động thái trấn an thị trường của cơ quan quản lý cũng như những biện pháp ổn định hệ thống của Ngân hàng Nhà nước vừa qua.

Bước sang tuần giao dịch này, sự chú ý của thị trường sẽ phần nào dịch chuyển sang thông tin liên quan tới kết quả kinh doanh quý III/2022 của các doanh nghiệp niêm yết.

Dự báo bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2022 sẽ tương đối tích cực nhờ so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ cũng như xu hướng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong quý III năm nay.

Các ngành dự kiến ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong quý III/2022 bao gồm du lịch và giải trí, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, công nghiệp, ngân hàng.

Dựa trên đánh giá một số yếu tố thị trường đang dần cải thiện, Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, thị trường đã xác lập đáy ngắn hạn tại vùng 1.000 điểm và đang trong nhịp hồi phục ngắn hạn, hướng tới kháng cự gần nhất là vùng 1.070-1.080 điểm, tiếp đến là vùng kháng cự mạnh 1.100 - 1.120 điểm.

Ý kiến của bạn