Chứng khoán tương lai Mỹ chìm trong sắc đỏ khi khả năng phục hồi bị đe dọa bởi Covid-19
Dow Jones futures đã mất hơn 200 điểm khi các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về tác động của đại dịch Covid-19 với khả năng phục hồi ở nền kinh tế số 1 thế giới.
Ngoài ra, tâm lý thị trường còn bị đè nặng bởi sự bất đồng giữa Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang về việc tiếp tục cấp tiền cho một số chương trình khẩn cấp đang được thực hiện trong thời suy thoái.
Tính tới 9h15 theo giờ Hà Nội, Dow Jones futures rơi 244 điểm, tương đương 0,83%. S&P 500 futures cũng lâm vào tình cảnh tương tự với 26,48 điểm mất đi, tương đương 0,74%. NASDAQ futures cũng mất 22,63 điểm, tương đương 0,19%.
Không lâu sau khi đạt đỉnh, diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ đang có dấu hiệu chậm lại do lo ngại đại dịch sẽ làm lu mờ những lạc quan về vắc xin, vốn cần nhiều tháng nữa để có thể trở nên khả thi. Theo dữ liệu của John Hopkins, tỷ lệ nhiễm Covid-19 trung bình 7 ngày của Mỹ hiện là 161,165 ca, cao hơn 26% so với 1 tuần trước. Nhiều bang đã hoãn các kế hoạch mở của trở lại và thực hiện các biện pháp hạn chế mới để ngăn chặn virus lây lan.
Thống đốc California Gavin Newsom hôm 19/11 đã ban hành quy định ở nhà có giới hạn đối với đại đa số cư dân của bang. Theo đó, nếu không có việc cần thiết, việc tụ tập phải dừng lại từ 22h tới 5 giờ sáng ngày hôm sau. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thì khuyên người Mỹ không nên đi du lịch vào Lễ Tạ ơn.
Trong khi đó, Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, người được cho là Tổng thống đắc cử của nước Mỹ, cho biết sẽ không yêu cầu đóng cửa trên quy mô cả nước khi quốc gia này đang bước vào một mùa nghỉ lễ khó khăn. Ông Biden cũng gọi việc hạn chế trên quy mô toàn quốc là biện pháp "phản tác dụng".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đang tìm cách không cho FED mua trái phiếu doanh nghiệp cũng như tiếp tục triển khai Chương trình cho vay Main Street để giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Động thái này đã dẫn tới phản ứng giận dữ từ FED với lập luận các chương trình này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế dễ bị tổn thương.
"Động thái của ông Mnuchin sẽ thắt chặt các điều kiện tài chính và loại bỏ tấm lưới an toàn của thị trường vào thời điểm sai lầm", Krishna Guha, Phó chủ tịch Evercore ISI, nhận định.
Vua trái phiếu Jeffrey Gundlach thì cho biết động thái của ông Mnuchin sẽ đóng lại các chương trình tín dụng doanh nghiệp, vốn có thể hỗ trợ cho thị trường trong mùa xuân tới. CEO DoubleLine Capital thì đặt ra câu hỏi liệu thị trường có thể trụ vững mà không có sự hỗ trợ của FED hay không.
Những diễn biến mới trên thị trường chứng khoán tương lai đã xóa sạch những thành tựu đạt được trong phiên giao dịch ngày 19/11. Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, Dow Jones tăng 40 điểm trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 0,4 và 0,9%. Nó đánh dấu ngày xanh đầu tiên trong 3 ngày giao dịch của bộ 3 chỉ số này. Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần, Dow Jones và S&P 500 đều tăng lên mức kỷ lục mới khi xuất hiện những thông tin tích cực về vắc xin.
"Thị trường đang xáo trộn, nhất là khi các nhà đầu tư đang tiêu hóa cú tăng vừa qua cũng như vật lộn với những thông tin tiêu cực do Covid-19 gây nên", Tony Dwyer, chiến lược gia thị trường trưởng tại Canaccord Genuity, cho biết.
Tin nổi bật
Tin Video