Chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm
(VOVTV) - Các thị trường chứng khoán thế giới đứng trước quãng thời gian có thể là tồi tệ nhất kể từ sau vụ sụp đổ do đại dịch COVID-19 hồi tháng 3/2020, khi các nhà đầu tư lo ngại việc tăng lãi suất mạnh tay sẽ đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Các chỉ số chính trên Phố Wall giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 16/6, khi những lo ngại về khả năng suy thoái gia tăng sau các động thái của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới để kiềm chế lạm phát theo sau đợt nâng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 741,46 điểm, hay 2,42%, xuống 29.927,07 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 123,22 điểm, hay 3,25%, xuống 3.666,77 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite để mất 453,06 điểm, hay 4,08%, và đóng phiên ở mức 10.646,10 điểm.
Đây là lần đầu tiên chỉ số Dow Jones đóng phiên dưới mức 30.000 điểm trong hơn 1 năm qua. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng ghi nhận phiên giảm thứ sáu trong bảy phiên vừa qua.
Chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương của MSCI ngoài Nhật Bản đã tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tuần qua, chủ yếu do lượng bán ra tại Australia, nơi chỉ số ASX 200 đã giảm 2% giá trị. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã giảm 2,4%.
Việc Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lần đầu tiên kể từ năm 2007, đặt ra những lo ngại mới về vòng xoáy tăng lãi suất toàn cầu sẽ kìm hãm tăng trưởng. Ngân hàng trung ương Anh (BOE) cũng thông báo tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, dù ít hơn dự kiến nhưng chỉ khiến mọi người càng đồn đoán về khả năng tiếp tục tăng mạnh hơn trong thời gian tới.
Hiện Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) là thể chế tài chính duy nhất duy trì chính sách lãi suất thấp. Mọi sự chú ý hiện dồn vào BOJ, khi ngân hàng này sẽ đưa ra quyết định về lãi suất trong khoảng thời gian từ 2h00-4h00 giờ GMT (tức 9h-11h theo giờ Hà Nội).
Các quyết định nâng lãi suất ngày 16/6 của các ngân hàng trung ương Thụy Sĩ và Anh đã làm dấy lên lo ngại rằng nỗ lực kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương có thể khiến tăng trưởng giảm mạnh trên toàn cầu, hay gây ra một đợt suy thoái.
Những kỳ vọng FED có thể đem đến một sự “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế đang ngày một lùi xa, và các chuyên gia phân tích của ngân hàng Wells Fargo hiện dự đoán xác suất xảy ra suy thoái là hơn 50%. Nhiều ngân hàng khác như Deutsche Bank và Morgan Stanley cũng cho rằng khả năng suy thoái đang gia tăng.