Kinh doanh

Chứng khoán Mỹ giảm sâu nhất trong hơn 2 năm

(VOVTV) - Thị trường chứng khoán phố Wall ngày 13/9 đã chứng kiến màn lao dốc của cả 3 chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ. Đây cũng là ngày giao dịch tồi tệ nhất của cả 3 chỉ số chứng khoán này kể từ tháng 6/2020.

14/09/2022 10:29

Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 3,94% còn 31.104,97 điểm; chỉ số tổng hợp S&P 500 mất 4,32%, còn 3.932,69 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm còn 11.633,57 điểm sau khi "bốc hơi" tới 5,16%.

Tình trạng giới đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu xảy ra tại hầu hết các ngành đã khiến bảng điện tử trên sàn giao dịch New York Exchange nhuốm sắc đỏ. Dịch vụ viễn thông và công nghệ là 2 ngành "bốc hơi" điểm nhiều nhất, lần lượt là 5,63% và 5,35%.

Chứng khoán Mỹ giảm sâu nhất trong hơn 2 năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Diễn biến thị trường chứng khoán phản ánh tâm lý lo ngại của giới đầu tư trước báo cáo mới nhất của Bộ Lao Động Mỹ công bố ngày 13/9 cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng 8 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số CPI lõi không tính giá lương thực và năng lượng, tăng 0,6%, tương ứng tăng 6,3% theo năm. Số liệu thống kê thực tế nêu trên đi ngược dự báo trước đó của các nhà kinh tế cho rằng lạm phát của Mỹ sẽ giảm 0,1% và CPI cốt lõi sẽ chỉ tăng 0,3% theo tháng.

Theo nhà kinh tế cấp cao của FHN Financial, giá khí đốt giảm vẫn chưa đủ để kéo CPI xuống như mong đợi và việc giá cả các loại hàng hóa cốt lõi tăng trên diện rộng là sự nhắc nhở đối với Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về những thách thức kinh tế vẫn còn ở phía trước.

FED đã liên tục tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022 với nỗ lực kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng dữ liệu cho thấy những nỗ lực này vẫn chưa có nhiều tác dụng. Các quan chức FED tái khẳng định thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi chính sách này gây thiệt hại cho nền kinh tế đầu tàu thế giới. Tuần trước, Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh ngân hàng này cần "hành động ngay bây giờ, thẳng thắn, mạnh mẽ" như những gì đã và đang làm, và duy trì hành động này cho đến khi công việc hoàn thành.

Các nhà phân tích của UBS cho biết FED vẫn chưa sẵn sàng thay đổi chính sách cho đến khi nhìn thấy những chỉ dấu tích cực của nền kinh tế như chỉ số lạm phát cơ bản hàng tháng giảm dần hay thị trường lao động được củng cố.

UBS nhận định thị trường sẽ tiếp tục biến động trong những tháng tới khi những yếu tố khó đoán định về kinh tế vĩ mô và chính sách gia tăng.

Ý kiến của bạn