Chứng khoán lao dốc, VN-Index ‘rơi tự do' gần 25 điểm: Nguyên nhân vì đâu?
Ngay ngày đầu tháng 8, chỉ số VN-Index quay đầu giảm sâu gần 25 điểm, hàng loạt cổ phiếu nằm sàn, có thời điểm VN-Index mất gần 30 điểm khiến nhà đầu tư hoảng loạn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay 1/8 trải qua một phiên giao dịch đầy biến động và nhiều hoảng loạn. Động thái bán tháo ngày càng tăng mạnh và lan rộng khi nhiều nhà đầu tư cố gắng thoát ra bằng được bất chấp cả giá sàn.
Kết phiên, VN-Index có tới 423 mã đỏ nhưng chỉ 45 mã xanh, chỉ số bốc hơi 1,96% (-24,55 điểm), mức mạnh nhất trong vòng 30 phiên trở lại đây. Trong phiên giao dịch, có thời điểm VN-Index bay gần 29 điểm. Kết quả này đã xóa sạch những nỗ lực phục hồi trước đó.
Thị trường vừa qua cao điểm doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính, thông tin liên tục đổ về trong những ngày qua xúc tác tốt cho VN-Index hồi phục. Tuy nhiên, diễn biến tích cực trước đó hoàn toàn đảo chiều trong phiên giao dịch hôm nay.
Ngay từ đầu phiên, áp lực bán đã xuất hiện và ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong phiên chiều. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang trở nên thận trọng và có xu hướng chốt lời.
Đa số các nhóm ngành đều chịu áp lực giảm, đặc biệt là viễn thông, hóa chất, chứng khoán và bất động sản. Sắc đỏ bao phủ hơn 420 cổ phiếu trên HoSE, toàn bộ nhóm ngành, từ cổ phiếu lớn, đến các mã nhỏ, vừa cùng điều chỉnh.
Trên HoSE, gần 30 cổ phiếu giảm hết biên độ, với EVF, AGM, BFC, CMG, CTS, DPG, HAH, LHG, NHA, QCG, SMC, TLH... Đến cuối ngày, nhiều mã trong số này còn lượng lớn cổ phiếu dư bán sàn. Cổ phiếu giảm sàn tập trung nhiều ở nhóm bất động sản.
Trong top 10 cổ phiếu gây tiêu cực lên mức giảm điểm của thị trường hôm nay có FPT (-2,95%) GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (-4,85%), MBB (-4,1%), BCM (-7%), TCB (-1,08%)…
Trong rổ VN30, chỉ có 2 mã tăng giá, còn lại đều giảm điểm. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, GVR, MBB, BCM...đã đóng góp đáng kể vào sự sụt giảm của chỉ số.
Trong phiên thị trường giảm sâu, khối ngoại trở lại gom hàng, với việc mua ròng 115 tỷ đồng, tập trung vào VCB, VNM, MWG, MSN, DBC…
Nhóm vốn hóa lớn trở thành gánh nặng cho VN-Index, biên độ giảm của nhiều mã lên tới 3-5%. GVR, FPT, MBB, BCM, BID, VPB… lần lượt là những cổ phiếu giao dịch tiêu cực nhất. Thuộc nhóm dẫn đầu lợi nhuận trong quý II, MB lại là cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất -4,1%. Loạt mã STB, TPB, VIB, ACB, VPB… ngập trong sắc đỏ.
Các ngành có sức ảnh hưởng, thanh khoản khá như chứng khoán, thép, xây dựng…cũng giảm sâu.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 6,13 điểm (2,6%) xuống 229,23 điểm. UPCoM-Index giảm 1,55 điểm (1,63%) xuống 93,52 điểm. Áp lực bán đẩy thanh khoản tăng vọt, giá trị khớp lệnh HoSE lên đến 20.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng phiên chiều, 13.000 tỷ đồng khớp lệnh qua sàn HoSE, cao gấp đôi lượng tiền đổ vào sàn này trong phiên sáng.
Vì sao chứng khoán lao dốc?
Sự sụt giảm mạnh của thị trường hôm nay đã khiến nhà đầu tư bất ngờ, bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô trong nước đang có những tín hiệu tích cực, hoạt động sản xuất đang diễn ra tốt. Đồng thời, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng trưởng khả quan.
Lý giải nhanh về thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do tâm lý của giới đầu tư đang bị tác động tiêu cực và ngày càng lan rộng. Chuyên gia của Công ty chứng khoán VPS cho rằng giai đoạn này nhiều người lo sợ thị trường giảm sâu, cùng với rủi ro địa chính trị quốc tế nên tâm lý, hành vi của nhà đầu tư khiến cổ phiếu tốt xấu, kết quả kinh doanh triển vọng thế nào cũng có thể bị bán mạnh.
Mặt khác, một số tin tức gần đây có thể khiến nhà đầu tư dao động như mặt bằng lãi suất tiết kiệm liên tiếp tăng, xu hướng giao dịch chưa rõ ràng của khối ngoại, bất ổn địa chính trị trên thế giới và lạm phát…
Ngoài ra, nhiều khả năng thị trường đang trong quá trình kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.200 - 1.220 điểm. Sau khi tăng điểm chạm kháng cự 1.257 - 1.260 điểm, các chỉ số dễ dàng giảm sâu, thay vì chỉ rung lắc trong biên độ 1.255 - 1.260 điểm. Thị trường vẫn trong giai đoạn "yếu" sau đợt điều chỉnh kéo dài, do vậy các yếu tố từ tâm lý, thông tin mang tính chất "nghe ngóng" cũng tạo sức nặng lên thị trường.
" Phiên điều chỉnh hôm nay gần như chắc chắn là do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư, chứ không phải do tin xấu từ kinh tế vĩ mô. Vì thế, nhà đầu tư cần giữ tâm lý bình tĩnh và tập trung đánh giá lại danh mục, không nên ồ ạt bán tháo theo "sóng" thị trường ", một chuyên gia nhận định.
Tin nổi bật
Tin Video