Chứng khoán 3/10: VN-Index giảm xuống mức thấp nhất 20 tháng
(VOVTV) - Chiều 3/10, chứng khoán Việt Nam giảm mạnh. Chỉ số VN-Index chính thức mất mốc 1.100 điểm.
Chốt phiên giao dịch ngày 3/10, VN-Index giảm 45,67 điểm xuống 1.086,44 điểm, là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Khối lượng giao dịch đạt hơn 554,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 11.525,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 43 mã tăng giá, trong khi có tới 449 mã giảm giá và 34 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 12,08 điểm xuống 238,17 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 62,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.142 tỷ đồng. Toàn sàn có 44 mã tăng giá, 169 mã giảm giá và 29 mã giảm giá.
UPCOM-Index giảm 2,2 điểm xuống 82,76 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 33 triệu đơn vị, tương ứng gần 508 tỷ đồng. Toàn sàn có 89 mã tăng giá, 178 mã giảm giá và 57 mã đứng giá.
Khối ngoại phiên hôm nay bán ròng rất mạnh. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 531 tỷ đồng trên HOSE và 25,6 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 12,74 tỷ đồng trên HNX.
Đà giảm được nới rộng trong phiên chiều, nhiều mã giảm xuống giá sàn. Theo đó, trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 29 mã giảm giá; trong đó có 11 mã giảm sàn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 2 mã tăng giá, nhiều mã nới rộng đà giảm, thậm chí, STB, TCB, BID, CTG giảm sàn. Cùng đó, hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán, bảo hiểm, dầu khí, hóa chất, bất động sản.… giảm sàn.
Tháng 10, thị trường chứng khoán thường phản ánh thông tin công bố kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp niêm yết. Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết quý III của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 17,5% nhờ các lĩnh vực chính như ngân hàng, khu công nghiệp, cũng như sự phục hồi của tiêu dùng nội địa sau đại dịch.
Dù vậy, hiện tại nhiều thông tin tiêu cực vẫn đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán; trong đó, yếu tố tác động mạnh nhất là xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thực tế, xu hướng giảm của thị trường chứng khoán trong nước cũng đồng pha với thị trường thế giới. Trong phiên giao dịch sáng 3/10, chứng khoán châu Á đi xuống, giữa những lo ngại chính sách thắt chặt tiền tệ có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,89% xuống 25.705,91 điểm.
Một báo cáo về lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố trong ngày 30/9 cho thấy trong tháng Tám giá cả tăng chậm lại so với tháng trước, nhưng vẫn cao hơn dự kiến của các nhà phân tích.
Giới đầu tư và các nhà quan sát lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái sau một loạt quyết định tăng mạnh lãi suất của ngân hàng trung ương các nước. Theo dữ liệu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), số lần tăng lãi suất do các ngân hàng trung ương trên thế giới công bố đã ở mức cao nhất kể từ năm 1970.
Ngày 21/9, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - lần tăng lãi suất mạnh thứ ba liên tiếp trong năm nay, nâng lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới lên khoảng 3 - 3,25%.
Các quan chức Fed cho rằng việc tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp./.
Tin nổi bật
Tin Video