Tin tức

Chưa được thu phí dịch vụ điều trị COVID-19, một số bệnh viện tư 'lách luật'

(VOVTV) - Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế, của TP.HCM, các cơ sở y tế tư nhân đã tham gia mặt trận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nhằm “chia lửa” cho hệ thống điều trị y tế công lập. Thế nhưng, điều băn khoăn là họ sẽ được trả chi phí như thế nào trong khi theo luật hiện hành, COVID-19 là bệnh được điều trị miễn phí.

Tác giả Kim Dung / VOV TP.HCM
12/09/2021 10:02

"Gồng" mình tự chi khi tham gia chống dịch

Hơn 1 tháng chuyển đổi công năng hoàn toàn sang điều trị COVID-19, Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã điều trị cho hơn 440 bệnh nhân, trong đó có hơn 280 người đã xuất viện. Hiện bệnh viện đã nâng cao năng lực tiếp nhận điều trị lên 150 giường, trong đó 30 giường hồi sức, vượt công suất so với dự kiến ban đầu.

Chưa được thu phí dịch vụ điều trị COVID-19, một số bệnh viện tư 'lách luật' - Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức tham gia điều trị COVID-19

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh viện nhập cuộc với mong muốn san sẻ gánh nặng cho ngành y tế thành phố, cùng chung tay gánh vác tránh nhiệm cứu chữa cho người dân. Bệnh viện đầu tư trang thiết bị máy móc đầy đủ để phục vụ cho người bệnh, đến nay vẫn chưa được nhà nước chi trả bất kỳ khoản nào.

Khi đề cập đến chính sách cho bệnh viện tư nhân tham gia điều trị COVID-19, bác sĩ Tuấn từ chối trả lời và cho rằng, khó khăn của bệnh viện tư là đúng thực tế, từ mua sắm trang thiết bị hiện đại đến chi trả cho nhân viên y tế. Lãnh đạo TP.HCM đã thấu hiểu và có công văn đến các Bộ ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho phép bệnh viện tư nhân thu phí điều trị COVID-19. Ông Tuấn tin tưởng nhà nước sớm có chính sách phù hợp.

Bên cạnh các bệnh viện vào cuộc cùng chia lửa điều trị bệnh nhân COVID-19, nhiều phòng khám tư nhân đã tham gia tiêm vaccine tại TP.HCM. Điển hình như phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, tại Quận 11 đã bắt đầu tham gia hỗ trợ công tác tiêm ngừa từ ngày 22/6, khi TP.HCM cao điểm thực hiện chiến lược tiêm chủng thần tốc với 4-5 đội tiêm tùy thời điểm. Ngoài ra, phòng khám cũng tham gia yểm trợ cấp cứu cho các địa phương, tham gia vận chuyển F0, theo dõi F0 tại địa phương cư trú…

Chưa được thu phí dịch vụ điều trị COVID-19, một số bệnh viện tư 'lách luật' - Ảnh 2.

BV nâng công suất từ 100 lên 150 giường để tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Thạc sĩ - Bác sĩ Cao Xuân Minh, Giám đốc Phòng khám Ngọc Minh cho biết, chi phí lương và phụ cấp cho nhân viên khoảng từ 400-500 triệu/tháng, ngoài ra, còn chưa kể vật tư tiêu hao như đồ bảo hộ, băng gạc, cồn… Một số địa bàn nơi đơn vị này tham gia tiêm vaccine cũng đã ghi danh sách để được hỗ trợ nhưng vẫn đến nay chưa có nguồn nào, chỉ có một số đội tiêm nhận được bồi dưỡng chi phí dinh dưỡng ăn cơm vài triệu đồng từ một số địa phương.

Bác sĩ Cao Xuân Minh nói: "Lúc này tất cả đều phải căng mình, cả xã hội đều cạn kiệt, tất cả đều quá tải. Mặc dù gánh nặng, nhưng trong dịch bệnh như hiện nay, nếu như là nhân viên y tế, cơ sở y tế mà đòi hỏi là có cái gì đó thì chúng tôi mới làm thì mình không còn là người làm y tế nữa. Tôi tin rằng sau khi dịch ổn rồi nhà nước sẽ có chính sách lại hợp lý hơn".

Theo chia sẻ của một lãnh đạo bệnh viện tư, đơn vị phải vay mượn chi phí để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho điều trị bệnh nhân COVID-19, như máy thở, bình oxy và nạp oxy liên tục, chi phí về đồ bảo hộ, chưa kể phí tiêu hao, trưng dụng trang thiết bị khác. Cùng với đó, chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân cũng tiêu chuẩn cao với đầy đủ nước uống, trái cây, tương xứng với sự hiện đại của bệnh viện. Điều dưỡng của bệnh viện cũng làm việc cực nhọc hơn, mất nhiều thời gian hơn so với bình thường, phải đảm nhiệm vụ hỗ trợ cả việc vệ sinh tắm rửa cho bệnh nhân COVID-19 bằng nước nóng lạnh nên việc chi trả lương cao hơn mới đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Lách luật

Để duy trì hoạt động khi chưa được thu phí dịch vụ điều trị COVID-19, một số đơn vị phải "lách luật" bằng cách vận động bệnh nhân ủng hộ quyên góp hoặc đề nghị bệnh nhân cam kết tự nguyện chi trả viện phí với chi phí hàng chục đến trăm triệu đồng.

Lãnh đạo bệnh viện xin giấu tên cho biết, trước đó đã chịu nhiều "búa rìu dư luận" vì "lì mặt" kêu gọi thân nhân người bệnh ủng hộ nhiều lần. Theo ông, nếu quyên góp nhiều thì bệnh viện tư sẽ có chi phí để điều trị miễn phí những bệnh nhân nghèo, để bệnh viện tồn tại, cứu sống được nhiều người hơn. "Bệnh viện cũng xác định sẽ bị lỗ, nếu vận động được nhiều thì số lỗ sẽ giảm xuống. Vì mỗi ngày, các chi phí đã lên tới 1 tỷ đồng, riêng các bệnh nhân nằm ICU, chi phí đã lên tới 30 triệu đồng/ngày, số tiền bệnh nhân ủng hộ cũng không thể bù đắp được".

Chưa được thu phí dịch vụ điều trị COVID-19, một số bệnh viện tư 'lách luật' - Ảnh 3.

Điều dưỡng tích cực làm việc trong khu cách ly tại BV FV, một trong 11 BV tư tham gia chia lửa điều trị COVID-19. Ảnh: BV FV

Tuy nhiên, việc kêu gọi ủng hộ như trên khiến một số bệnh nhân cảm thấy đưa vào "thế đã rồi". Mới đây, đầu tháng 8, gia đình anh L.N.H. (ngụ quận Gò Vấp) có hai người mắc COVID-19 trở nặng, sau khi liên lạc khắp nơi đều quá tải, thân nhân anh H. được tiếp nhận điều trị tại một bệnh viện tư nhân ở huyện Bình Chánh. Khi vào viện, gia đình tạm ứng 50 triệu đồng. Trong 28 ngày nằm viện thì mẹ anh đã nằm 10 ngày ở Hồi sức cấp cứu (ICU). Theo anh H., để được xuất viện, gia đình đã chuyển khoản 8 lần với tổng cộng hơn 426 triệu đồng, nhưng phải ghi là tiền ủng hộ điều trị COVID-19.

Anh H. cho rằng, vì không có danh mục cụ thể về chi phí điều trị, trong khi được biết điều trị COVID-19 là miễn phí, nhưng vẫn phải gửi tiền ủng hộ một khoản không hề nhỏ là điều khiến anh không hài lòng nên bức xúc với bệnh viện. Nếu có sự minh bạch cụ thể và giá công khai để bệnh nhân lựa chọn thì đó là điều cần thiết.

"Có thể thu dịch vụ nhưng phải rõ ràng, theo khung giá của Bộ Y tế hay Sở Y tế đưa ra, có thể cao hơn là ở những phần dịch vụ, nói rõ cho bệnh nhân giá từng phần ví dụ ở đây giá phòng bao nhiêu, thì đưa ra cho bệnh nhân là giá phòng như vậy. Chứ không phải đóng tiền viện phí mà kêu là gửi ủng hộ", anh H. chia sẻ.

Theo Luật sư, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, nếu các bệnh viện tư nhân không được nhà nước tiếp sức kịp thời thì họ sẽ kiệt sức, kiệt quệ và không thể tham gia chống dịch tiếp tục. Khi ấy nhà nước sẽ mất đi một lực lượng hỗ trợ đáng kể trong tình hình dịch bệnh bùng phát và lan rộng như hiện nay. Pháp luật cũng cho phép việc các nhà hảo tâm, bệnh nhân có điều kiện, tự nguyện muốn ủng hộ về vật chất cho các bệnh viện tư nhân đang tham gia chống COVID-19, tuy nhiên, một số đơn vị áp dụng hai cơ chế song song trong bệnh viện, đó là thu phí của bệnh nhân có điều kiện chi trả và miễn phí cho những bệnh nhân còn lại, thì không nên.

Còn Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM cho rằng, cần một quyết định dưới luật tạm thời hoặc nghị định về chi phí cho điều trị COVID-19. Đối với bệnh nhân có Bảo hiểm y tế thì quyết toán theo quy định, còn phần chênh lệch bệnh nhân phải chi trả.

Người dân có quyền lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho bản thân và người thân của mình, nhất là những F0 không thể có người nhà đi theo chăm sóc. Bên cạnh đó, những bệnh nhân nghèo chỉ cần được điều trị bệnh, không thể chi trả khi sử dụng dịch vụ cao cấp. Để các cơ sở y tế tư nhân không kiệt quệ vì tập trung mọi nguồn lực cứu người, các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra quy định về điều trị COVID-19 ở các cơ sở y tế tư nhân trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn