Chủ xe cho thuê, mượn nơm nớp lo dính phạt nguội
Khi thông báo phạt nguội gửi về thì khách thuê đã trả xe và lúc này chủ xe gặp rất nhiều khó khăn khi đòi khách thuê tiền phạt nguội.
Dù chủ xe và khách thuê đã có thỏa thuận, thậm chí đưa vào hợp đồng về việc bên thuê phải chịu các khoản nộp phạt vi phạm giao thông trong quá trình thuê xe, bao gồm cả phạt nguội. Nhưng trên thực tế, khi thông báo phạt nguội gửi về thì khách thuê đã trả xe và lúc này chủ xe gặp rất nhiều khó khăn khi đòi khách thuê tiền phạt nguội.
Dở khóc dở cười vì phạt nguội
Từ ngày lực lượng CSGT đẩy mạnh phạt nguội, anh Vũ Thái Hòa (ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) ngày nào cũng phải vào mạng vài lần để tra cứu biển số xe vi phạm giao thông, xem có xe của mình hay không.
"Tôi kinh doanh dịch vụ cho thuê xe tự lái, khách thuê xe "dính" phạt ở đâu mình không kiểm soát được. Khi họ trả xe, mình phải trả lại họ tiền hoặc giấy tờ đặt cọc, thì dù có tra ra khách thuê nào đã vi phạm, cũng rất khó đòi tiền. Vì vậy, tôi cố tra cứu được sớm ngày nào hay ngày đó, nếu khách chưa trả xe thì đòi tiền phạt nguội dễ hơn", anh Hòa nói.
Anh Hòa kể, mới tháng trước, khách thuê xe Innova của cửa hàng đi Thanh Hóa trong 2 ngày. Khi khách trả xe, anh đã kiểm tra lại xe, nhận đủ số tiền thuê là 1,7 triệu đồng, rồi trả lại chứng minh thư và 30 triệu đồng tiền đặt cọc cho khách.
Sau đó vài ngày, anh tra cứu trên hệ thống, biết xe của mình vi phạm chạy quá tốc độ quy định 20km/h, thì vội liên hệ với khách để yêu cầu nộp phạt. Tuy nhiên, khách thuê xe chối đây đẩy, nói "thuê xong trả tiền là hết trách nhiệm" rồi sau đó chặn luôn số của anh Hòa.
Tìm tới một cơ sở cho thuê xe trên đường Láng Hạ, phóng viên được báo giá thuê tự lái đối với ô tô Fortuner là 1 triệu đồng/ngày, xe ô tô Honda Civic 800 nghìn đồng/ngày và xe Kia Morning 600 - 700 nghìn đồng/ngày.
Người thuê cần trình GPLX, hộ khẩu và để lại chứng minh thư, xe máy hoặc một số tiền có giá trị tương đương, sau đó kí hợp đồng thuê xe, trong đó có điều khoản khách thuê phải chịu nộp phạt các vi phạm giao thông trong thời gian thuê xe.
Tuy nhiên, chủ cơ sở này thừa nhận, khách chỉ thuê xe 1 đến vài ngày, khi khách trả xe thì chủ xe phải trả lại các thứ khách đã đặt cọc. Trong khi đó, giấy tờ thông báo phạt nguội thì chậm gửi, có khi cả tháng mới nhận được. “Phạt nguội tăng khiến dịch vụ cho thuê xe đối mặt rủi ro rất lớn”, chủ cơ sở này nói.
CSGT cần gửi thông báo sớm
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự), cùng với sự phát triển của công nghệ, phạt nguội vi phạm giao thông sẽ ngày càng được nhân rộng. Thực tế này đang làm nảy sinh rất nhiều vấn đề đối với các dịch vụ cho thuê xe, cũng như với tình huống cho mượn xe.
"Để đối phó với tình trạng xe cho thuê bị phạt nguội, các cơ sở cho thuê xe đã tạo thêm 1 số điều khoản trong hợp đồng, song việc tìm khách thuê xe để đòi tiền phạt nguội rất khó khả thi vì nhiều lý do khách quan như: Người thuê xe rời bỏ nơi cư trú, thay số thẻ căn cước, thay số điện thoại…", luật sư Hậu nói.
Theo luật sư Hậu, để tránh tình trạng các chủ xe cho thuê, mượn xe phải nộp phạt nguội thay người khác, cần đồng bộ các giải pháp như: Hợp đồng thuê xe chặt chẽ, CSGT gửi thông báo phạt nguội sớm, cập nhật nhanh lên hệ thống cơ sở dữ liệu về xe vi phạm giao thông để người dân tra cứu...
"Cơ quan công an nên xây dựng quy trình thông báo cho người vi phạm thật nhanh chóng. Ngoài ra, có thể yêu cầu chủ xe đăng ký số điện thoại với cơ quan chức năng (CSGT, cơ quan đăng kiểm...) để kịp thời gửi tin nhắn thông báo phạt nguội. Như vậy tính răn đe sẽ cao hơn và kịp thời hơn với các trường hợp cho thuê, mượn xe", luật sư Hậu đề xuất.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, muốn giảm thiểu rủi ro, cơ sở cho thuê xe có thể đưa thêm quy định khi kết thúc hợp đồng, chủ xe sẽ giữ lại một số tiền nhất định để sau nửa tháng hay 1 tháng, nếu không có thông báo phạt nguội thì sẽ trả lại cho khách thuê. Tuy nhiên, đây là giải pháp khó được khách hàng chấp nhận.
“Giải pháp lâu dài vẫn là lực lượng chức năng thông báo, cập nhật sớm vi phạm phạt nguội lên hệ thống để bên cho thuê, cho mượn xe cập nhật kịp thời các xe vi phạm trước khi thanh toán hợp đồng với khách thuê, thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều”, luật sư Cường nói.
Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội tuyên truyền giải quyết tai nạn, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, trong thời hạn từ 3 - 5 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện vi phạm giao thông qua hệ thống camera, các đơn vị tiến hành xác minh thông tin về phương tiện và chủ xe, gửi thông báo vi phạm yêu cầu chủ xe và cá nhân, tổ chức có liên quan đến giải quyết vi phạm; đồng thời cập nhật thông tin vi phạm trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT.
Trường hợp quá thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo vi phạm mà chủ phương tiện, người vi phạm không đến giải quyết, sẽ tiếp tục gửi thông báo đến Công an nơi chủ xe cư trú, học tập, công tác, gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để phối hợp xử lý.
“Phạt nguội ngoài hiệu quả trong việc xử lý vi phạm, còn góp phần nâng cao ý thức của chủ xe trong việc giao xe cho người khác, dù là cho thuê, cho mượn; đồng thời cũng thúc đẩy việc mua bán xe phải “sang tên đổi chủ”, tránh những rắc rối về sau”, Trung tá Vinh cho hay.
Tin nổi bật
Tin Video