Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tìm kiếm năng lượng mới trong các động lực tăng trưởng
(VOVTV) - Chiều nay, tại Nhà Quốc hội, Chủ trì Hội nghị Tham vấn về công tác tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, Diễn đàn Kinh tế- xã hội năm 2023 cần có giải pháp trước mắt và lâu dài để tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Theo Đề án, dự kiến Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 có chủ đề “Khơi thông nguồn lực, kiến tạo động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững” với 2 Phiên chuyên đề là: “Tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ nền kinh tế/doanh nghiệp vượt qua khó khăn” và Chuyên đề “Bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Diễn đàn cần làm rõ bối cảnh quốc tế, xu hướng dịch chuyển địa- kinh tế và thách thức mới đối với quá trình phục hồi, phát triển kinh tế và tác động đến Việt Nam, diễn đàn cần đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế của Đất nước trong 6 tháng đầu năm 2023.
Nhìn nhận điểm sáng những tháng cuối năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: “6 tháng cuối năm có thể khởi sắc hơn, nhất là đầu tư công thường theo quy luật 6 tháng cuối năm tốt hơn đầu năm, giai đoạn chuẩn bị đầu tư trải qua rồi, bắt đầu vào guồng thì sẽ tốt hơn. Do những giải pháp kích thích kinh tế thấy có tín hiệu tiêu dùng bán lẻ khởi sắc lại, khi 1/ 7 bắt đầu tăng lương. Tuy nhiên, dự báo chung khó đạt được mục tiêu như Quốc hội đề ra, dự báo tăng trưởng đạt khoảng 5%-5,8%. Nếu được vậy cũng rất tốt. Do đó Diễn đàn Kinh tế năm nay chọn cái gì tạo động lực mới cho tăng trưởng? làm sao để tìm kiếm năng lượng mới trong các động lực tăng trưởng hiện hành”.
Liên quan đến Chuyên đề “Tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ nền kinh tế/doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, tại Hội nghị, các đại biểu chỉ rõ lợi thế là thời gian qua kinh tế vĩ mô ổn định và cần vượt qua rào cản, thách thức để “lấy lại” đà tăng trưởng, tạo nền tảng thời gian tới.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị: “Ba điểm quan trọng để chúng ta tạo ra động lực lâu dài. Một là vấn đề về cơ cấu, bởi vì hiện nay các nước khi người ta muốn tạo là nền tảng bền vững là phải quay về vấn đề cơ cấu. Hai là vấn đề năng suất, đây là hiện nay Việt Nam chúng ta còn rất thấp. Ba chính là có lẽ cũng phải làm kỹ hơn về mô hình tăng trưởng của xem theo hướng số hóa nhiều hơn hay là phải đi theo mô hình đổi mới sáng tạo hơn. Đấy là động lực tăng trưởng, tôi thấy rất rõ là như thế”.
Các đại biểu cũng đồng tình với Chuyên đề “Bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững” và đề nghị nâng cao trình độ người lao động, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, ổn định việc làm, hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh và Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nêu ý kiến: “Việc nghiên cứu để nâng cao trình độ người lao động, nâng cao năng suất lao động phải là một vấn đề quan trọng và từ đó góp phần làm cho chất lượng của lực lượng lao động của chúng ta thay đổi thì mới có thể nói là phát triển bền vững lâu dài được. Để từ đó người lao động người ta cũng phải xác định mình mà không tự nâng cao, không chịu thay đổi sẽ bị đào thải khỏi thị trường lao động. Các doanh nghiệp cũng phải xác định cho việc nâng cao trình độ cho người lao động và nâng cao năng suất lao động”.
“Chuyển đổi xanh đôi khi đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cả nhận thức, tư duy lẫn phương thức, công nghệ. Chúng ta thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải và xanh hóa sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tôi cho rằng là Chuyên đề 2 này có lẽ là cơ hội để chúng ta đưa thêm thông điệp quan trọng, trong bối cảnh như vậy chúng ta phải có tầm nhìn dài hạn để chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 là rất cần thiết nhằm đánh giá toàn diện tình hình thế giới và trong nước, đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025, qua đó tìm giải pháp chính sách để tháo gỡ nút thắt khơi thông nguồn lực, động lực, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng… Trong bối cảnh khó khăn cần có giải pháp trước mắt và cả dài hạn.
“Diễn đàn này vừa phục vụ cho mục tiêu trước mắt của 6 tháng, nhưng mà vẫn phải nghĩ đến chuyện căn cơ lâu dài. Chúng ta cứ nói là tái cơ cấu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động…cái đó mà chúng ta không bám thì khó. Nhất là 2 chỉ tiêu chất lượng năm ngoái là đều không đạt: năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Đâu là vấn đề ngắn hạn? Đâu là vấn đề cấp thiết trước mắt? Đâu là những vấn đề chiến lược dài hạn? Phải chăng vẫn phải bám vào các đột phá về chiến lược rồi vì yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng. “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Phải bình tĩnh, phải bài bản. Cái này cái quan trọng. Đây là diễn đàn khoa học, những ý tứ này chúng ta phải tính", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, cách thức để tổ chức chức thành công Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 vào đầu tháng 9 năm nay.
Tin nổi bật
Tin Video