Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Bộ Y tế
(VOVTV) - Nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, sáng nay, 20/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thăm và làm việc tại Bộ Y tế.
Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản.
Mục tiêu của ngành y tế nâng cao sức khoẻ cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của nhân dân
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, bác sĩ, nhân viên, người lao động ngành y tế với những tình cảm chân thành, tri ân sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Khẳng định, sức khỏe là vốn quý nhất của con người, chăm sóc, bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân sự nghiệp vô cùng vất vả, nặng nề, nhưng cũng hết sức vinh quang, vẻ vang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành y tế đạt được thời gian qua đã góp phần trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, ngành y tế nhất đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách hệ thống pháp luật và việc tổ chức thực thi pháp luật, các luật liên quan đến lĩnh vực y tế, cũng như các nghị quyết Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian vừa qua. Trong đó, ngành y tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nỗ lực khắc phục những tồn tại, giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, về những tổn thất, hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Bộ Y tế đã tập trung tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là một dấu mốc, sự kiện mang tính chất quyết định đến sự phát triển của ngành y, vừa tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn hiện hữu, vừa tạo khuôn khổ hành lang pháp lý thuận lợi, công khai cho các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như công tác quản lý nhà nước. Điều này khẳng định sự cố gắng của cả Quốc hội và Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và ban hành Luật.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu: "Ngành y tế tiếp tục quán triệt đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của ngành y, lời căn dặn của Bác Hồ, tinh thần các Nghị quyết của Đảng về ngàng y, tập trung ở Nghị quyết 20 của Trung ương. Bác Hồ nói xây dựng một nền y học Việt Nam. Nghị quyết số 20 xác định xây dựng nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng. Làm thấm đượm vấn đề này với mục tiêu cao cả là nâng cao sức khoẻ cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ngành Y tế phải “nằm lòng” vấn đề này. Trị bệnh cứu người là một chức năng căn bản, còn sứ mệnh của ngành y rộng hơn. Mục tiêu là xây dựng một hệ thống y tế công bằng chất lượng, hiệu quả của hội nhập quốc tế hướng tới bao phủ, chính sách về chăm sóc sức khỏe toàn dân và bao phủ về y tế toàn dân. Hai khái niệm này có liên quan chặt chẽ."
Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh, y tế và giáo dục là hai lĩnh vực nền tảng. Bởi vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong hai lĩnh vực này còn rất lớn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi lạm dụng khoa học công nghệ, đẩy giá dịch vụ lên thì sẽ vô hiệu hóa y tế cơ sở. Vì thế y tế chuyên sâu phải được đồng bộ cùng y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại; kết hợp quân y với dân y; chú trọng công nghiệp dược liệu; tự chủ trang thiết bị y tế…
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Bộ Y tế cần tiếp tục chủ trì, triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao, tuyệt đối không để nợ văn bản. Tập trung hoàn thiện, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế trong năm 2024; xây dựng lộ trình phù hợp, chắc chắn đối với các dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2025 và những năm tiếp theo.Tăng cường công tác xây dưng pháp luât, năng lực quản lí đầu tư.
Bộ Y tế nghiên cứu tiếp thu cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Chính phủ hoàn thiện "Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành y tế triển khai các chiến lược về y tế, sớm phê duyệt quy hoạch mạng lưới y tế; tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về cải cách hành chính và chuyển đổi số; hoàn thiện các tiêu chuẩn y đức; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở khám, chữa bệnh để tạo thuận lợi cho người dân với tinh thần người dân là trung tâm trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Nhấn mạnh, nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng được yêu cầu cả chuyên môn và y đức, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đào tạo, tuyển chọn, sử dụng sao cho hiệu quả. Trước mắt là cải cách chính sách tiền lương.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển, chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân là công việc của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, đây là một trong những ưu tiên đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Cho nên cần phải tiếp tục đầu tư các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực một cách thích hợp cho ngành y tế và phải nằm trong một chương trình tổng thể.
Ngành y tế hoàn thành cả 3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác, năm 2023, ngành y tế hoàn thành cả 3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao, trong đó vượt chỉ tiêu được giao về số bác sỹ/vạn dân (12,5 bác sỹ), đạt chỉ tiêu về số gường bệnh/vạn dân (32 gường bệnh), đạt chỉ tiêu về dân số tham gia BHYT.
Ngành y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh và 2 Nghị quyết của Quốc hội; Ban bí thư ban hành 1 chỉ thị; Chính phủ ban hành 5 chỉ thị, 6 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 quyết định…Bộ đã và đang tập trung xây dựng để trình Chính phủ, Quốc hội nhiều văn bản trong các hoạt động của ngành như Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểu Y tế, Luật Dân số, Luật Thiết bị y tế, Luật Phòng bệnh…
Hoạt động khám, chữa bệnh thông thường đã phục hồi so với giai đoạn trước dịch COVID-19; số lượt khám bệnh ngoại trú và nội trú đều tăng tại các bệnh viện; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế tăng cao. Công tác quản lý sức khỏe toàn dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, người lao động; mở rộng đối tượng tham gia BHYT được chú trọng. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển y dược cổ truyền.
Đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B từ ngày 20/10/2023. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát, không để xảy ra dịch chồng dịch. Hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành được củng cố, kiện toàn; xây dựng, hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, đề án lớn, quan trọng để phát triển ngành. Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Tích cực tiếp cận, tiến đến làm chủ các tiến bộ y khoa, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện các kỹ thuật khó như: ghép tạng, nội soi, can thiệp tim mạch, phẫu thuật bằng robot, bấm huyệt, châm cứu./.