Tin tức

Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”

Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển.

20/09/2023 08:08

Sau một ngày làm việc tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, thu hút sâu sắc dư luận xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thông tin đa chiều và toàn diện

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, có khoảng 450 đại biểu đã tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Diễn đàn cũng được kết nối trực tuyến với 6 học viện và trường đại học với khoảng hơn 1000 giảng viên, học sinh, sinh viên trực tiếp theo dõi.

Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam cần tập trung phát huy tối đa “nội lực” - Ảnh 1.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Tại diễn đàn đã có 7 báo cáo tham luận của các diễn giả tại các phiên toàn thể và phiên thảo luận chuyên đề cùng hơn 40 bài viết của các tổ chức, chuyên gia và nhà khoa học. Đồng thời, có hơn 40 ý kiến của các diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các đại biểu trong và ngoài nước tham gia trao đổi, thảo luận tương tác lẫn nhau.

Diễn đàn đã có sự lan tỏa tích cực. Theo ghi nhận của Ban Tổ chức đã có hơn 900.000 lượt người theo dõi và tương tác trên các nền tảng số. Diễn đàn chia sẻ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp thông qua đại diện các Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, của các hiệp hội, một số doanh nghiệp tham gia và chia sẻ giữa các chuyên gia trong và ngoài nước, giới học thuật, nhà nghiên cứu, người hoạch định chính sách và cơ quan thực thi chính sách, cũng như các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, diễn đàn thực sự đã trở thành một trung tâm thông tin đa chiều và toàn diện.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn đồng thời tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.

Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.

Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cũng là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, gắn liền với chủ đề của diễn đàn hôm nay.

Ngay sau khi kết thúc diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ có báo cáo tổng thuật với đầy đủ kết quả của diễn đàn gửi đến các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới.

“Làm mới” động lực cũ, phát hiện động lực mới

Tóm tắt lại một số nội dung chính đã được các đại biểu tập trung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau đại dịch COVID-19, trên con đường hồi phục, hầu hết các nền kinh tế thế giới lại phải gặp thách thức lớn.

Việc Quốc hội, Chính phủ Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam vẫn đứng vững, cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.

Nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, từ Quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Điều đáng lưu ý là cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn và luôn bám sát mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam cần tập trung phát huy tối đa “nội lực” - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Các ý kiến tại diễn đàn cũng thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp với các quốc gia trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng có tính chất chiến lược, có tính đột phá, lan toả, nâng cao vị thế Việt Nam trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Các đại biểu cho rằng bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát nền kinh tế nhanh và bền vững.

Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố để phát huy sức mạnh nội sinh

Tóm lược một số gợi ý, đề xuất chính sách, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, các đại biểu cho rằng cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.

Cần nghiên cứu, ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối. Phối hợp chính sách hiệu quả đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ cấu lại các loại thị trường; thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước, đẩy mạnh sức mua trong nước; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, kích cầu du lịch trong nước.

Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam cần tập trung phát huy tối đa “nội lực” - Ảnh 3.

Các chuyên gia trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

Nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới cho rằng giải pháp chủ yếu để đạt được tốc độ tăng trưởng năng suất cao hơn nằm ở việc cải thiện các đặc điểm của lực lượng lao động trẻ hiện nay.

Ngân hàng Thế giới (WB) đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo trợ xã hội mang tính thích ứng, tích hợp, dễ điều chỉnh và hiện đại để bảo vệ các hộ gia đình trước những cú sốc một cách hiệu quả hơn, đồng thời cải thiện độ bao phủ bảo hiểm xã hội để tăng tính đối phó với rủi ro thất nghiệp và đảm bảo thu nhập khi về già...

Ý kiến của bạn