Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc làm việc về Chương trình mục tiêu quốc gia
(VOVTV) - Chiều ngày 11/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc Thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và phiên chất vấn của UBTV Quốc hội.
Có hay không có trục lợi chính sách trong việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia?
Tại cuộc làm việc cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc Thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, báo cáo giám sát phải phân tích rõ ưu điểm, khuyết điểm khi triển khai thực hiện 3 Chương trình, đồng thời các kiến nghị, giải pháp trong dự thảo Báo cáo cần sát, đúng, trúng với thực tiễn.
Giám sát việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 hiện đã thực hiện tại 7 bộ, ngành và 15 địa phương.
Từ kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải làm rõ những địa phương nào thực hiện tốt, hiệu quả; địa phương nào thực hiện chưa tốt cũng phải phân tích rõ , nguyên nhân vì sao, trách nhiệm đến đâu và hướng xử lý thế nào để từ đó kiến nghị các giải pháp về chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu báo cáo phải phân tích rõ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã giải quyết sinh kế, đảm bảo cuộc sống của người dân như thế nào? Có hay không có trục lợi chính sách? Có còn xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình nông thôn mới như thời gian trước đây hay không báo cáo cũng cần tập trung phân tích kỹ.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, Đoàn giám sát và Tổ giúp việc sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các ý kiến đóng góp của các Phó Chủ tịch Quốc hội nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 8.
Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải trả lời những vấn đề thời sự nhân dân quan tâm
Liên quan đến việc chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 15/8 tới, phiên chất vấn sẽ tập trung các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn 2 nhóm vấn đề. Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn về việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Bên cạnh đó, cần tập trung làm rõ việc có hay không trục lợi chính sách trong ban hành các văn bản pháp luật cũng như đề xuất được các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Về lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý phải trả lời những vấn đề thời sự mà nhân dân quan tâm như: vấn đề giá gạo xuất khẩu; phải đánh giá kỹ tác động của việc thí điểm cơ chế giao cho các địa phương được quyết định việc chuyển đổi diện tích đất lúa dưới 20ha vấn đề liên quan đến hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản… Đây là những khó khăn mà ngành nông nghiệp đang phải giải quyết để có thể đương đầu với những thách thức mới.
Tin nổi bật
Tin Video