Tin tức

Chủ tịch Quốc hội: 3 “thống nhất” làm gốc bền, rễ chắc cho hành động của ASEAN

Chiều 5/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn chính sách đối ngoại với nhan đề: “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia gắn kết bền chặt, cùng nhau phấn đấu vì một châu Á - TBD và Ấn Độ Dương năng động, bao trùm, hòa bình, hợp tác và phát triển” trước hơn 200 đại biểu.

05/08/2023 20:27

Thăm Indonesia xứ sở vạn đảo tươi đẹp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ cảm nhận được sức phát triển mãnh liệt của một quốc gia có nền kinh tế năng động, truyền thống lịch sử quật cường và ý chí phấn đấu không mệt mỏi của người dân. Indonesia đang sở hữu một kho tàng nhiều giá trị văn hóa với bề dày lịch sử, tinh hoa nghệ thuật của nhân loại.

Indonesia còn là đất nước của những tư tưởng mạnh mẽ vượt tầm khu vực, trong đó tư tưởng về độc lập, tự chủ, tự cường, không liên kết … đã là triết lý đối ngoại của Indonesia và được nhiều nước chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, sự tương đồng văn hóa, tư tưởng lập quốc, sự cận kề địa lý và những liên hệ lịch sử gần gũi cũng như những điểm đồng khát vọng về hòa bình là chất keo tự nhiên gắn kết hai dân tộc Việt Nam- Indonesia, mang những giá trị vượt không gian và thời gian.

Sự gắn bó thật nghĩa, thắm tình đó còn được các thế hệ lãnh đạo và người dân hai nước không ngừng vun đắp, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu với Tổng thống Sukarno thăm Việt Nam năm 1959: “Thật là bầu bạn, thật là anh em”.

Chủ tịch Quốc hội: 3 “thống nhất” làm gốc bền, rễ chắc cho hành động của ASEAN - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội tại Diễn đàn chính sách đối ngoại

Nêu quan điểm của mình về bối cảnh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; về ASEAN; hợp tác Việt Nam và Indonesia trong ASEAN, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Để gìn giữ bầu trời hòa bình trong xanh, môi trường yên bình, thịnh vượng  cho mai sau, mọi quốc gia cần chung tay xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực bao trùm, bền vững, kết nối về chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân, đề cao ứng xử dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Điều này là phù hợp với tinh thần của Hội nghị Băng-đung 1955 với 10 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, với các giá trị nền tảng về tôn trọng độc lập, chủ quyền, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực, nêu cao công lý, tuân thủ Hiến chương LHQ, thúc đẩy hợp tác khu vực.

"Việt Nam và Indonesia đã cùng nhau thắp sáng ngọn đuốc đấu tranh vì độc lập, tự do, bình đẳng ở Bangdung. Ngày nay, ngọn đuốc ấy và tinh thần Bangdung cao quý đó vẫn soi sáng cho tất cả chúng ta trên hành trình phát triển" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Không chấp nhận để ASEAN trở thành công cụ cho bất cứ sự đối đầu và chia rẽ nào

Chia sẻ về ASEAN, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần định vị lại mình, khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho phát triển Cộng đồng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị lấy 3 “thống nhất” làm gốc bền, rễ chắc cho các hành động linh hoạt sáng tạo của ASEAN.

Đó là thống nhất trong giữ vững nguyên tắc, thể hiện ở việc giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác. Theo đó, một “ASEAN tầm vóc” phải kiên trì bảo đảm nguyên tắc độc lập, tự chủ, không chấp nhận để ASEAN trở thành công cụ cho bất cứ sự đối đầu và chia rẽ nào.

Chủ tịch Quốc hội: 3 “thống nhất” làm gốc bền, rễ chắc cho hành động của ASEAN - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn

Thống nhất trong duy trì đồng thuận thể hiện ở việc ASEAN duy trì đồng thuận trong các vấn đề an ninh, phát triển quan trọng của khu vực, cùng nhau bảo vệ lập trường, quan điểm chung của ASEAN theo “phương cách ASEAN”, Hiến chương ASEAN..

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước những diễn biến phức tạp, gây nguy cơ căng thẳng gần đầy ở Biển Đông, cần đoàn kết kiên trì thúc đẩy đối thoại, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, đàm phán Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước LHQ 1982 (UNCLOS).

Nhắc lại câu: “Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì đi cùng nhau”, theo Chủ tịch Quốc hội, hai nước càng hợp tác chặt chẽ thì càng có đóng góp cho ASEAN tiến xa. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu, khi thăm Indonesia 8/2017: “Cùng với ASEAN, Việt Nam và Indonesia sẽ tiếp tục phát triển; cùng với Indonesia và Việt Nam, ASEAN sẽ ngày càng lớn mạnh, góp phần xứng đáng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Đưa quan hệ Việt Nam – Indonesia vững bước tiến lên

Nhấn mạnh, trong một thế giới đầy biến động, có một điều bất biến với Việt Nam là tinh thần “hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị” trong đường lối chính sách đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia đang được phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, đóng góp tích cực vào một cấu trúc khu vực năng động, bao trùm và bền vững.

Việt Nam và Indonesia đã sát cánh bên nhau trong lịch sử và ngày nay đang tay trong tay cùng thực hiện khát vọng 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, sẽ trở thành những quốc gia phát triển. Hai nước có rất nhiều điều kiện, tiềm năng thuận lợi để phối hợp lập trường, hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Chủ tịch Quốc hội: 3 “thống nhất” làm gốc bền, rễ chắc cho hành động của ASEAN - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia đang được phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu

Chính sự gắn kết lợi ích và tương đồng về tư duy chiến lược là động lực đưa quan hệ Việt Nam – Indonesia vững bước tiến lên, như việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện năm 2003 và Đối tác Chiến lược năm 2013 đã từng bước mở ra không gian hợp tác toàn diện hơn, sâu rộng hơn.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, quan hệ hai nước đang ở thời kỳ hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để cùng nhau vượt lên giành thêm nhiều thành tựu mới. Và đó là cơ sở để tiếp nối những bước nâng cấp 2003 và 2013, tại thời điểm phù hợp trong tương lai gần, hướng tới nâng lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Để tiến tới quan hệ đối tác quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị những hướng lớn về hợp tác chính trị, quốc phòng - an ninh, đa phương; về tăng cường gắn kết kinh tế; về giao lưu nhân dân; về hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng.

Ngoài ra, cơ quan lập pháp hai nước cần tăng cường hơn nữa hợp tác trong đối ngoại Nghị viện, trao đổi các kinh nghiệm về lập pháp và giám sát, tiến tới ký kết các chương trình, thỏa thuận hợp tác cụ thể, tạo khuôn khổ cho những bước tiến mới của hợp tác trong tương lai.

Chủ tịch Quốc hội: 3 “thống nhất” làm gốc bền, rễ chắc cho hành động của ASEAN - Ảnh 4.

Các đại biểu tại Diễn đàn chính sách đối ngoại

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam và Indonesia là những đối tác gắn kết tự nhiên, tiềm năng hợp tác của hai nước là rất lớn, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nội lực dồi dào của mỗi quốc gia cũng như dòng chuyển động nhanh của Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 trong một không gian Cộng đồng ASEAN vững mạnh và đoàn kết.

"Thay cho lời kết, tôi muốn mượn hình ảnh loài chim thiên đường Wilson của Indonesia - được mệnh danh là loài chim thiên đường đẹp nhất thế giới và chim Lạc của Việt Nam là loài chim trong truyền thuyết của người Việt cổ được tìm thấy trên trống đồng Đông Sơn. Hai loài chim này vươn cánh bay cao như biểu tượng cho ước muốn chinh phục bầu trời, đại diện cho khát vọng, khí thế và niềm tin mãnh liệt của chúng ta, đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia lên một tầm cao mới, đóng góp xây dựng một châu Á - TBD và Ấn Độ Dương năng động, bao trùm, hòa bình, hợp tác và phát triển" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn