Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Hệ thống Tòa án nhân dân
(VOVTV) - Sáng nay, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương làm việc với Tòa án nhân dân tối cao và trực tuyến tới hệ thống tòa án trong cả nước.
Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cùng các cán bộ chủ chốt các đơn vị của Toà án nhân dân tối cao.
Báo cáo Chủ tịch nước và đoàn công tác, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, những năm gần đây số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải giải quyết bình quân tăng khoảng 8%/năm, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, mặc dù số lượng các vụ việc thụ lý tăng hơn 39 nghìn vụ so với cùng kỳ năm trước nhưng các Tòa án đã giải quyết đạt tỷ lệ gần 63%; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,82%. Việc giải quyết, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội...
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương những thành tích, kết quả công tác của các Tòa án nhân dân trong thời gian qua, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành như: Tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chưa được tháo gỡ kịp thời.
Chủ tịch nước đề nghị Tòa án các cấp cần nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm, có giải pháp phù hợp, khả thi nhằm khắc phục được những hạn chế, bất cập, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ trong thời gian tới.
Chủ tịch nước nêu rõ, năm 2024 là năm tăng tốc để đến năm 2025 về đích thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy, trọng trách của các tòa án là cần tập trung thực hiện khẩn trương hơn yêu cầu cải cách tư pháp; những nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Hệ thống Tòa án cần tập trung xây dựng nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp, pháp quyền, góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị: “Tiếp tục quán triệt đầy đủ, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết của Trung ương; đặc biệt là Nghị quyết số 27 ngày 09/11/2022 cua Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao chất lượng xét xử, tuyệt đối không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế, tiến tới không để xảy ra các bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan. Nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Kiên quyết khắc phục, thành tâm nhận khuyết điểm khi phát hiện các bản án sai soát. Chống khuynh hướng phương tây hóa, hành chính hóa, chống tác động chuyển hóa tư pháp tòa án.”
Chủ tịch nước cũng yêu cầu toàn ngành Tòa án đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ nhất là đội ngũ Thẩm phán thực sự trong sạch, thanh liêm, chính trực, đặt lợi ích chung của đất nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân lên trên hết, trước hết.
Chủ tịch nước cho rằng, chất lượng của cán bộ tư pháp quyết định rất lớn, thậm chí có tính quyết định cao nhất đối với chất lượng bản án, cuối cùng là chất lượng của nền tư pháp. Mỗi sự không "chí công vô tư” trong "phụng công thủ pháp" của thẩm phán đều có thể ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và lợi ích, thậm chí cả tính mạng của người dân. Do vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thượng tôn pháp luật, giữ gìn bảo vệ pháp luật, không thiên lệch, hết mực công tâm, không vì lợi ích riêng tư là yếu tố căn cơ nhất.
Chủ tịch nước yêu cầu: “Chủ động nghiên cứu và sẵn sàng các phương án đối với thực hiện nhiệm vụ của tòa án trong thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp. Chủ động lộ trình, bước đi thực hiện công tác xét xử trong thời đại 5.0 với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các vấn đề về chứng cứ điện tử, tội phạm hoạt động trên không gian mạng, "tội phạm ảo"; Tập trung nguồn lực hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025, nâng cao năng lực quản trị toà án trên nền tảng số, góp phần cung cấp cho nhân dân các dịch vụ tư pháp tiện ích, công khai, minh bạch trong hoạt động tòa án, không để xảy ra tham nhũng vặt. Tập trung giải quyết các vụ án đảm bảo kịp thời, đúng pháp luật, nhất là những vụ án do Ban Chi đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chú trọng và thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát, thiệt hại. Khắc phục triệt để tình trạng Thẩm phán nể nang, ngại va chạm khi giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.”
Chủ tịch nước cũng đề nghị, tiếp tục tăng cường xây dựng thể chế bảo đảm áp dụng thống nhất trong xét xử. Chủ động nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng; không để bị tác động, chi phối hoặc lồng ghép lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật; không để xảy ra trình trạng chậm, nợ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật. Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, đế xuất các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho việc vận hành Tòa án điện tử; các hoạt động tố tụng trực tuyến; quy định về chứng cứ điện tử; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thế tiến hành tố tụng điện tử. Chủ tịch nước tin tưởng rằng, với nỗ lực, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, đế cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, đội ngũ cán bộ, thẩm phán tòa án các cấp sẽ vượt qua mọi thử thách, cám dỗ đời thường, giữ vững tâm sáng, công minh, chính trực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân../.