Tin tức

Chủ tịch nước: Phải đưa văn hóa trở thành hồn cốt của các sản phẩm làng nghề

Chiều 9/11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt Đoàn đại biểu 100 nghệ nhân nhân dân, thợ giỏi ưu tú, tiêu biểu trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tham dự Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 tại Hà Nội.

10/11/2023 07:07

Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước mong muốn các nghệ nhân, thợ giỏi kiên trì với con đường nghệ thuật, nghệ thuật hóa các sản phẩm của mình, đưa văn hóa trở thành hồn cốt của các sản phẩm, mang lại giá trị cao cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương cũng như quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11/2023 tại nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội, với hàng chục sự kiện, hoạt động đặc sắc. Trong đó, sự kiện chính diễn ra từ ngày 9 - 12/11 tại Hoàng thành Thăng Long.

Chủ tịch nước: Phải đưa văn hóa trở thành hồn cốt của các sản phẩm làng nghề - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ các nghệ nhân, thợ giỏi tham dự buổi gặp mặt.

Báo cáo tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện cả nước 2030 làng nghề và làng nghề truyền thống trong số hàng nghìn làng có nghề cả nước, trong đó có trên 2.100 nghệ nhân, thợ giỏi, nắm vững kiến thức nghề, phát huy sức sáng tạo, truyền nghề từ thế hệ này qua thế hệ khác, tạo các giá trị nghệ thuật, mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển nông thôn.

Kim ngạch xuất khẩu riêng nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ năm 2022 đạt trên 3,3 tỷ USD. Nhiều làng nghề đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn đối với khách trong và ngoài nước, vừa giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân, vừa quảng bá hình ảnh đất nước - con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

Tại buổi gặp mặt, các nghệ nhân, thợ giỏi bày tỏ vui mừng được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống, các làng nghề, qua đó làm hồi sinh sức sống mạnh mẽ của hàng nghìn làng nghề cả nước, góp phần tạo thu nhập và sinh kế cho hàng triệu người dân. Đây cũng là điều thuận lợi để các nghệ nhân, thợ giỏi giữ gìn, phát huy và truyền nghề cho các thế hệ sau, góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Các nghệ nhân, thợ giỏi đều khẳng định sẽ tiếp tục tận tâm cống hiến, thêu dệt lên “bức tranh” tinh hoa nghề Việt.

Chủ tịch nước: Phải đưa văn hóa trở thành hồn cốt của các sản phẩm làng nghề - Ảnh 2.

Các nghệ nhân, thợ giỏi tham dự buổi gặp mặt

Bày tỏ vui mừng gặp mặt các nghệ nhân, thợ giỏi, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, xã hội càng phát triển, càng hiện đại thì càng coi trọng các sản phẩm có nguyên liệu tự nhiên, thân thiện, mang dấu ấn sáng tạo cá nhân. Từ sự tinh xảo của đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi, những vật liệu thân thiện, gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của người Việt đã trở thành các sản phẩm nghệ thuật giá trị, chứa đựng những câu chuyện giàu cảm xúc, phản ánh vẻ đẹp trong lao động và cuộc sống của người Việt Nam. Mỗi sản phẩm của các nghệ nhân có cuộc đời, số phận, tình yêu cuộc sống; có chiều dài, chiều rộng, chiều sâu của lịch sử, hàm chứa sức sống văn hóa mãnh liệt.

Cho rằng đây là điều mà các nghệ nhân, thợ giỏi, các làng nghề đáng tự hào, Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy những năm gần đây, các lĩnh vực làng nghề phát triển vượt bậc, tạo cơ hội cho phát triển kinh tế làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn, mang lại thu nhập và việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có cả những người cao tuổi, người khuyết tật, góp phần tích cực trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống rất tốt đẹp của người Việt Nam và quảng bá ra thế giới. Những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong top 10 các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các làng nghề không chỉ là nơi hoạt động sinh kế, động lực phát triển kinh tế xã hội tại địa phương mà còn là không gian bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa lịch sử mỗi vùng, miền. Nhiều làng nghề trở thành địa điểm du lịch đặc sắc, thu hút du khách trong và ngoài nước, trở thành những địa điểm giới thiệu với lãnh đạo các quốc gia đến thăm Việt Nam.

Chủ tịch nước: Phải đưa văn hóa trở thành hồn cốt của các sản phẩm làng nghề - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong các nghệ nhân, thợ giỏi nghệ thuật hóa các sản phẩm của mình, đưa văn hóa trở thành hồn cốt của các sản phẩm

Khẳng định, thành tựu to lớn đó trước hết thuộc về các nghệ nhân, thợ giỏi và người dân các làng nghề trong cả nước, luôn đam mê, yêu nghề, sáng tạo, có bàn tay khéo léo và tâm hồn của người nghệ sĩ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trân trọng những đóng góp, cống hiến của những nghệ nhân, thợ giỏi, những người được coi là hồn cốt, báu vật của làng nghề, địa phương và quốc gia.

Đánh giá cao các nghệ nhân, thợ giỏi kiên trì bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Chủ tịch nước cho rằng:

“Nếu chúng ta khẳng định phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế, với đặc điểm văn hóa và ngành nghề truyền thống của Việt Nam vốn có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh thì chúng ta cần có cơ chế chính sách thúc đẩy lĩnh vực này. Tôi rất đồng tình với kiến nghị của các nghệ nhân, thợ giỏi như ngày làng nghề Việt Nam, chính sách cho nghệ nhân, cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nghề thủ công, kết hợp làng nghề với du lịch, tiêu chí xét phong tặng nghệ nhân cho phù hợp; cơ chế truyền nghề hay vấn đề hỗ trợ để xây dựng thương hiệu hay tiếp thị ra sao. Đây là các kiến nghị rất chính đáng. Festival lần này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức là hoạt động thiết thực hỗ trợ cho các làng nghề và nghệ nhân”.

Cho biết thủ công mỹ nghệ là một trong số 12 ngành công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý các nghệ nhân, thợ giỏi và các làng nghề: “ Đối với thủ công mỹ nghệ thì bản sắc độc đáo, hàm lượng văn hóa, nghệ thuật cao là yếu tố quyết định cho các sản phẩm tồn tại và phát triển. Hàng thủ công phải đẹp, phải tinh xảo, nhưng phải bền, có giá trị sử dụng, có giá trị trang trí. Mỗi sản phẩm phải là một câu chuyện của đời sống với nhiều cảm xúc. Tôi cho rằng, đây là mục tiêu rất quan trọng mà chúng ta phải hướng đến. Làm thương hiệu thì phải kể câu chuyện cho hay. Vì thế tôi mong các nghệ nhân, thợ giỏi kiên trì với con đường nghệ thuật, nghệ thuật hóa các sơ của mình, đưa văn hóa trở thành hồn cốt của các sản phẩm”.

Chủ tịch nước: Phải đưa văn hóa trở thành hồn cốt của các sản phẩm làng nghề - Ảnh 4.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các nghệ nhân, thợ giỏi, các đại biểu tại buổi gặp mặt

Chủ tịch nước cũng đề nghị các nghệ nhân, thợ giỏi cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lớp người kế cận, bởi với số lượng nghệ nhân thợ giỏi, nhất là nghệ nhân cấp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng sự phát triển của ngành nghề thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam. Đây cũng là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần tiếp tục tạo điều kiện, xem xét công nhận các nghệ nhân đủ tiêu chuẩn. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có quà lưu niệm tặng các nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu.

Ý kiến của bạn