Tin tức

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng UNESCO đối với nghệ thuật làm gốm của người Chăm

(VOVTV) - Tối 15/6, tại Quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận diễn ra Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023.

Tác giả Vũ Dũng / VOV
16/06/2023 07:13

Tới dự và chứng kiến sự kiện này có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương trong vùng.

Buổi lễ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” cũng như lan tỏa rộng rãi trong nước và quốc tế về nghệ thuật làm gốm đặc sắc của dân tộc. Đối với Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận, được tổ chức 2 năm/lần, đây là dịp giới thiệu các sản phẩm đặc thù, riêng biệt sẵn có của tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tôn vinh những giá trị kinh tế mà cây nho mang lại cho địa phương, làm rõ sự khác biệt mang tính đặc trưng của nho Ninh Thuận.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng UNESCO đối với nghệ thuật làm gốm của người Chăm - Ảnh 1.

Nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc biểu diễn tại buổi Lễ.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng UNESCO đối với nghệ thuật làm gốm của người Chăm - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham dự buổi Lễ.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng UNESCO đối với nghệ thuật làm gốm của người Chăm - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự buổi Lễ.

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” là sự khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam trong Kho tàng Di sản văn hóa thế giới, đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Di sản văn hóa nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng UNESCO đối với nghệ thuật làm gốm của người Chăm - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi Lễ.

Theo Phó Thủ tướng, Lễ hội Nho - Vang chính là cơ hội để tôn vinh những người nông dân, doanh nhân, nhà khoa học; đồng thời cũng là dịp để trao đổi, chia sẻ cơ hội hợp tác, quảng bá đưa thương hiệu nho - vang Ninh Thuận ra thị trường trong nước, thế giới; theo thời gian sẽ trở thành một nét văn hóa đặc trưng của đất và người Ninh Thuận.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng UNESCO đối với nghệ thuật làm gốm của người Chăm - Ảnh 5.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã trao Bằng của UNESCO ghi danh cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị Ninh Thuận phải định vị được những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có, làm nền tảng để khơi dậy lòng tự hào, tình yêu thương quê hương, khát vọng cống hiến trong từng người dân, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của địa phương. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và tỉnh Ninh Thuận cần có quy hoạch cụ thể, thiết thực hơn trong gìn giữ, bảo tồn, chấn hưng, phát huy các giá trị văn hóa, vật thể và phi vật thể; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng UNESCO đối với nghệ thuật làm gốm của người Chăm - Ảnh 6.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham quan và gặp mặt các nghệ nhân, người dân Làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.

Trước đó, chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới tham quan và gặp mặt các nghệ nhân, người dân Làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước – một trong những làng nghề cổ xưa nhất vùng Đông Nam Á.

Chủ tịch nước đã tham quan Nhà trưng bày gốm Bàu Trúc tại thôn Bàu Trúc, nghe giới thiệu về các sản phẩm gốm độc đáo cũng như truyền thống làm gốm của người dân nơi đây. Gặp gỡ, trò chuyện với người dân làng gốm Bàu Trúc, Chủ tịch nước động viên thăm hỏi về đời sống, đầu ra của sản phẩm gốm, thu nhập của người dân; mong muốn bà con tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa riêng có, đặc biệt là việc bảo tồn, phát huy các giá trị của gốm Chăm, qua đó góp phần khẳng định các giá trị văn hóa truyền của dân tộc.

Chủ tịch nước dự Lễ đón Bằng UNESCO đối với nghệ thuật làm gốm của người Chăm - Ảnh 7.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nghe giới thiệu về các sản phẩm gốm Bàu Trúc.

Làng Bàu Trúc, tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok gồm hai khu phố là Bàu Trúc và khu phố 12 hiện có 1.286 hộ với 5.871 nhân khẩu gắn bó với nghề gốm truyền thống mẹ truyền con nối. Bàu Trúc là làng gốm duy nhất ở Việt Nam mà người thợ chỉ dùng bàn tay tài hoa của mình để cho ra đời những sản phẩm đất nung. Các nghệ nhân Làng gốm Bàu Trúc có thể làm hàng trăm loại sản phẩm gốm theo nhu cầu thị trường. Đây cũng là địa danh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm nghệ thuật làm gốm thủ công./.

Ý kiến của bạn