Chống thông tin sai lệch về vaccine phòng Covid-19: Cấp bách 'cuộc chiến thứ hai'
Nhờ những thành tựu đáng khích lệ trong việc nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng Covid-19, các quốc gia đang nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm chủng với hy vọng tạo thành tấm lá chắn mạnh mẽ trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Nhưng đồng thời thế giới cũng phải đương đầu với một cuộc chiến cấp bách không kém, đó là chống lại thông tin sai lệch về vaccine phòng Covid-19 mà Hiệp hội Chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã gọi là “đại dịch thứ hai”.
Trên thực tế vẫn còn một số sự do dự về vaccine nói chung và vaccine phòng Covid-19 nói riêng trên toàn thế giới, trong đó có một phần liên quan đến thông tin sai lệch về vaccine phòng Covid-19 trên mạng xã hội.
Theo dữ liệu khảo sát công bố hồi đầu năm nay bởi Trung tâm Các chương trình truyền thông của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), được thực hiện tại 23 quốc gia trên thế giới, chỉ có 63% số người được hỏi cho biết họ sẽ tiêm vaccine phòng Covid-19. Con số này thấp hơn nhiều so với mức mà các chuyên gia y tế công cộng khuyến nghị để đạt được “miễn dịch cộng đồng” là 75% dân số.
Nhiều người ví những thông tin sai lệch về vaccine phòng Covid-19 thậm chí còn lan truyền nhanh hơn vi rút SARS-CoV-2. Tại Ấn Độ, hàng loạt “thuyết âm mưu” được đăng tải trên các nền tảng Facebook, Instagram, YouTube và WhatsApp với những lời đồn đoán như vaccine phòng Covid-19 là nỗ lực của chính phủ các nước nhằm kết nối mọi người với mạng 5G.
Tại Anh, những thông tin trên mạng xã hội như tiêm chủng gây vô sinh, vaccine phòng Covid-19 làm thay đổi ADN, cùng nghi ngại về mức độ an toàn khi vaccine được phát triển và sản xuất quá nhanh… trở nên phổ biến đối với giới trẻ, ít nhiều tạo nên sự nghi ngại trong tiêm phòng vaccine.
Ngày 15/7, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết có một nhóm khoảng 12 người đang tạo ra tới 65% thông tin sai lệch chống vaccine phòng Covid-19 trên các nền tảng truyền thông xã hội ở Mỹ, với đặc điểm chung là ủng hộ các loại thuốc “tự nhiên” và khiến người dân sợ hãi khi đi tiêm vaccine.
Bộ trưởng phụ trách triển khai chiến dịch tiêm chủng của Nhật Bản Kono Taro cảnh báo trò lừa bịp về vaccine phòng Covid-19 đang lan rộng khắp thế giới và khẳng định những thông tin sai lệch như vậy hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Sự suy yếu lòng tin của người dân vào vaccine phòng Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực của Chính phủ nước này trong việc hoàn thành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn vào tháng 11.
Ngày 21/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đã chuyển sang một tình huống phức tạp hơn do nhiều người không chịu tiêm vaccine. Thực tế là số ca mắc mới Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại tại xứ Cờ hoa với sự lây lan của biến chủng Delta, đặc biệt là ở những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, niềm tin của công chúng vào các bằng chứng và cơ sở khoa học là điều cần thiết để vượt qua đại dịch Covid-19.
Theo hãng tin BBC (Anh), YouTube đã xóa hơn 900.000 video liên quan đến thông tin nguy hiểm hoặc sai lệch về đại dịch Covid-19 kể từ tháng 2/2020.
Để thúc đẩy động lực tiêm chủng, Chính phủ Anh và WHO đã thực hiện chiến dịch hợp tác với các thông điệp bằng đồ họa được lan tỏa trên các nền tảng truyền thông nhằm giải thích cho người dân về sự an toàn và tầm quan trọng của vaccine phòng Covid-19.
Những bằng chứng rõ ràng và xác thực về hiệu quả của vaccine liên tục được đưa ra, như giúp giảm tỷ lệ mắc Covid-19, cũng như tỷ lệ người nhiễm bệnh có triệu chứng nặng và tử vong. Đây là cơ sở để xây dựng niềm tin cho cộng đồng trên toàn thế giới về tầm quan trọng của việc tiêm chủng trong cuộc chiến với dịch bệnh.
Tin nổi bật
Tin Video