Chống sạt lở, Khánh Hòa sẽ đối chiếu bản đồ địa chất khi cấp phép dự án
(VOVTV) - Tình hình sạt lở đất do các dự án được cấp phép tại khu vực núi quá nhiều được kỳ họp thứ 13, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VI quan tâm. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết đang rà soát, xử lý các dự án tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, đồng thời, sẽ căn cứ bản đồ địa chất để cho phép thực hiện các dự án.
Tỉnh Khánh Hòa đang triển khai lập quy hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Thế nhưng, trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa lại chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án với quy hoạch 1/500 khi chưa có quy hoạch 1/2000.
Hệ lụy là khu vực đồi núi ở thành phố Nha Trang có nhiều dự án chồng chéo lẫn nhau, được cấp phép trên đất đồi núi, có dự án đã xảy ra sạt lở gây chết người.
Đại biểu Nguyễn Ngô, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề nghị, cần phải có tiêu chí để đánh giá phù hợp, những dự án không phù hợp cần phải thu hồi, trả lại màu xanh cho núi rừng:
"Dự án này chủ yếu qua rừng núi, làm mất 60 héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn và có nguy cơ sạt lở cao vào mùa mưa. Thực tế, sạt lở ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân, để lại nhiều bài học đắt giá.
Quy hoạch là công cụ quan trọng trong công tác quản lý, cần phải được xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo, cần lấy ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học có uy tín khi triển khai thực hiện. Không phải liên tục điều chỉnh, thay đổi như trước đây".
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, UBND tỉnh đã rà soát lại 82 dự án ở các khu vực nguy cơ sạt lở trên địa bàn thành phố Nha Trang; tạm dừng những dự án không phù hợp với quy hoạch hoặc chỉ phù hợp một phần.
Hiện nay, tỉnh đã có bản đồ địa chất, xác định các khu vực nguy cơ sạt lở. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo thành phố Nha Trang kiểm tra những khu vực nguy cơ sạt lở, nghiên cứu phương án di dời dân, xây dựng các dự án nhà ở xã hội… để người dân ổn định cuộc sống.
"Chính thức đã có bản đồ do Tổng cục Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp, xác định các khu vực trọng điểm trong toàn tỉnh. Từ nay về sau, các dự án mới hoặc các dự án tiếp tục, hay dự án chấm dứt phải lấy cơ sở pháp lý, ngoài quy hoạch phải kèm vào bản đồ địa chất.
Đó là công cụ pháp lý. Một mặt chúng ta kêu gọi nhưng mặt khác chúng ta phải kiên quyết thực hiện nghiêm quy hoạch và bản đồ chống sạt lở."
Tin nổi bật
Tin Video